Liên Hợp Quốc triển khai sáng kiến “Đại dương sạch và khỏe mạnh”

Thứ sáu, 30/6/2023 | 17:17 GMT+7
Nhằm giúp các quốc gia hạn chế ô nhiễm trên đất liền ở các khu vực ven biển và bờ biển, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) cùng 4 cơ quan đối tác đã triển khai sáng kiến “Đại dương sạch và khỏe mạnh”.

Sáng kiến được phát triển trong khuôn khổ hợp tác giữa FAO với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) và Ngân hàng Phát triển châu Mỹ Latinh (CAF), trong mối quan hệ đối tác chiến lược với Ủy ban Hải dương học liên chính phủ (IOC) thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO).

Sáng kiến “Đại dương sạch và khỏe mạnh” nhằm hạn chế ô nhiễm đại dương trên đất liền thông qua đổi mới chính sách và quy định, đầu tư cơ sở hạ tầng và các giải pháp dựa trên thiên nhiên.

Triển khai sáng kiến hạn chế ô nhiễm đại dương trên đất liền

Theo thống kê, các đại dương đã mất gần 2% lượng oxy kể từ những năm 1950, dẫn đến "vùng chết", không có đủ oxy để duy trì các mô sống. Ô nhiễm từ các nguồn trên đất liền, bao gồm việc lạm dụng phân bón, chất thải hữu cơ từ chăn nuôi và nước thải chưa qua xử lý, thường dẫn đến tình trạng thiếu oxy trên toàn thế giới.

Trước thực trạng này, ông QU Dongyu, Tổng giám đốc FAO nhấn mạnh, nếu cùng nhau, chúng ta có thể xoay chuyển tình thế về ô nhiễm để sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt đẹp hơn.

Theo đó, sáng kiến sẽ trực tiếp tài trợ khoảng 115 triệu USD để làm sạch các khu vực ven biển và đã được ký kết tại cuộc họp Hội đồng lần thứ 64 của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF).

Ông Sergio Díaz-Granados, Chủ tịch điều hành CAF cho biết, các đại dương phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về tính bền vững, chủ yếu là do biến đổi khí hậu gây ra; trong đó, nước ngày càng có tính axit và ấm hơn, mực nước biển dâng cao và đang bị khai thác quá mức nguồn lợi hải sản. Do đó, khoản tài trợ này sẽ góp phần tái khẳng định cam kết đa phương dẫn đầu cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế xanh.

Để thực hiện sáng kiến, các cơ quan dẫn đầu sẽ lập bản đồ các nguồn ô nhiễm đại dương trên đất liền, từ đó hiểu rõ hơn về tác động của tình trạng thiếu oxy và áp dụng khoa học đại dương để phát triển các giải pháp cải thiện sức khỏe của cả con người và đại dương.

Ông Vladimir Ryabinin, Thư ký điều hành của IOC - UNESCO nhấn mạnh, sáng kiến tận dụng thế mạnh và chuyên môn của từng tổ chức, đảm bảo cách tiếp cận toàn diện để bảo vệ hệ sinh thái biển. Thông qua sáng kiến, các bên sẽ làm việc cùng nhau, theo tinh thần của Thập kỷ khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, qua đó sẽ tiến một bước tới đại dương mà chúng ta mong muốn trong tương lai.

Việt Nga (T/H)