Sức khỏe

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tim mạch cho người dân

Thứ bảy, 4/11/2023 | 18:31 GMT+7
Từ ngày 3 - 5/11, Đại hội Khoa học tim mạch Đông Nam Á (AFCC2023) lần thứ 27 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Giao thoa tim mạch: Thách thức và cơ hội”.

Đại hội có sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu, trong đó có hơn 300 chuyên gia đầu ngành trong khu vực và trên thế giới. Đây là sự kiện quan trọng, mang tầm quốc tế của chuyên ngành tim mạch nước nhà, là cơ hội cho các thầy thuốc Việt Nam và trong khu vực có thể trao đổi, cập nhật, bổ sung các kiến thức, kỹ năng chuyên môn. Đại hội cũng là dịp để lan tỏa những thông điệp sức khỏe đến người dân trong công cuộc phòng, chống lại bệnh lý tim mạch đang gia tăng ở nước ta với mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tim mạch cho người dân Việt Nam.

Đây là lần thứ hai Đại hội Khoa học tim mạch Đông Nam Á được tổ chức tại Việt Nam. Lần này, chương trình hội nghị cập nhật hơn 80 phiên khoa học, bao gồm 750 bài báo cáo. Ngoài những chủ đề khoa học thường quy như can thiệp tim mạch, siêu âm tim, điều trị rối loạn nhịp tim… chương trình Đại hội nay nay có thêm những phiên khoa học đặc biệt, thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia nước ngoài như: phiên đào tạo của SCAI (Hội Tim mạch can thiệp Hoa Kỳ), các phiên cập nhật khuyến cáo từ ESC Congress (Hội Tim mạch châu Âu)…

Đại hội Khoa học tim mạch Đông Nam Á lần thứ 27

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, ngành tim mạch trên thế giới là một trong những ngành phát triển năng động nhất trong y học. Các thầy thuốc tim mạch khu vực Đông Nam Á cũng rất năng động, có sự gắn kết chặt chẽ và có trình độ tay nghề tiệm cận với các nước phát triển. Đáng chú ý, chuyên ngành tim mạch Việt Nam cũng có những bước tiến mạnh mẽ thời gian qua; công tác khám, chữa các bệnh lý tim mạch đã ghi nhận nhiều kết quả đáng tự hào. Trong đó, nhiều bệnh tim mạch nguy hiểm đã được điều trị có hiệu quả; nhiều phương thức tiên tiến được áp dụng không chỉ ở tuyến bệnh viện Trung ương mà còn được phổ biến đến các bệnh viện tuyến dưới; các kỹ thuật cao luôn được triển khai, cập nhật rất nhanh ở Việt Nam, như can thiệp bệnh lý động mạch vành phức tạp.

Bên cạnh đó, người bệnh tim mạch Việt Nam đã được hưởng nhiều lợi ích của tiến bộ khoa học, không còn cần phải ra nước ngoài chữa bệnh. Bộ Y tế đánh giá cao sự phát triển của chuyên ngành tim mạch và coi đây là một trong những điểm sáng của y tế nước nhà.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, thời gian tới, các yếu tố nguy cơ gây bệnh liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu, thói quen lười vận động, thừa cân, béo phì, chế độ ăn không khỏe mạnh… vẫn có xu hướng gia tăng và là thách thức lớn cho công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân; số người bị bệnh tim mạch và tử vong do bệnh tim mạch vẫn gia tăng. Do đó, Bộ trưởng đề nghị các chuyên gia, tổ chức, nhà khoa học cần có sự vào cuộc đồng bộ để cùng giải quyết vấn đề; mong muốn các thầy thuốc tim mạch khu vực Đông Nam Á luôn gắn kết, nỗ lực cập nhật kiến thức mới nhất, chia sẻ kinh nghiệm quý giá trong thực hành lâm sàng, đưa chuyên ngành tim mạch ASEAN sánh ngang các nước tiên tiến trên thế giới và giành thắng lợi trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh tim mạch trong khu vực. 

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Hội Tim mạch học Việt Nam cùng các đơn vị chức năng của Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành phố đẩy mạnh chương trình phòng chống bệnh không lây nhiễm, trong đó nổi bật là bệnh lý tim mạch.

Phương An (T/H)