Giao thông xanh

Nâng cấp, công bố Cảng Hàng không Liên Khương lên Cảng quốc tế và khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt

Thứ hai, 6/5/2024 | 11:00 GMT+7
Ngày 06/5, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Sở Giao thông vận tải phối hợp với các sở và đơn vị liên quan thực hiện nâng cấp, công bố Cảng Hàng không (CHK) lên Cảng Hàng không quốc tế và triển khai dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt theo Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 61 ngày 02/5/2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan đầu máy xe lửa tại Ga Đà Lạt (ngày 20/11/2022)-ảnh: Nguyễn Nghĩa 

Cảng Hàng không quốc tế đầu tiên ở Tây Nguyên

Cảng Hàng không Liên Khương nằm tại địa bàn huyện Đức Trọng, cách thành phố Đà Lạt 30km. Ngày 07/6/2023, Thủ tướng có Quyết định 648/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quyết định phê duyệt, sân bay Liên Khương là Cảng hàng không quốc tế đón 5 triệu khách/năm. Cảng hàng không quốc tế Liên Khương sẽ có quy mô sân bay cấp 4E, công suất thiết kế dự kiến khoảng 5 triệu hành khách/năm, diện tích đạt 340,84 ha, với chi phí đầu tư khoảng 4.591 tỷ đồng. Định hướng đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Liên Khương có quy mô sân bay cấp 4E, công suất thiết kế dự kiến khoảng 7 triệu hành khách/năm, diện tích đạt 486,84 ha, với chi phí đầu tư tăng thêm khoảng 3.157 tỷ đồng.

Để nâng cấp cảng hàng không, tỉnh Lâm Đồng đề xuất đầu tư hơn 4.300 tỷ đồng theo hình thức PPP nhằm mở rộng sân bay Liên Khương đạt công suất 5 triệu lượt hành khách vào năm 2030. Theo đó, đầu tư nâng cấp sân CHK quốc tế Liên Khương từ cấp 4D lên cấp 4E, có hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ đón được các máy bay lớn như Airbus A380, Boeing 787 và thêm một nhà ga quốc tế trên diện tích đất 340 ha.

Theo báo cáo của CHK Liên Khương, sân bay có một đường cất hạ cánh chiều dài 3.250 m, chiều rộng 45 m, đường lăn song song kích thước dài 819m và rộng 23m; lề nhựa rộng 7,5 m; kết cấu bê tông nhựa; sức chịu tải PCN= 53/F/C/X/T. Cảng có khả năng tiếp thu các tàu bay code D và tương đương trở xuống như các loại máy bay B757, A300, A320, A321, ATR72...

Cảng Hàng không quốc tế Liên Khương sẽ được công bố trong thời gian tới 

Cảng có 2 sân đỗ tàu bay với 14 vị trí đỗ cho các loại tàu bay Code D trở xuống. Sân đỗ tàu bay số 2 có diện tích 12.705 m2 kết cấu bê tông nhựa, sức chịu tải: PCN= 50/F/C/X/T, số lượng 2 vị trí đỗ cho các loại tàu bay Code C trở xuống. Nhà ga hành khách có diện tích xây dựng 8.613 m2, gồm có 2 tầng có tổng diện tích xây dựng 12.374 m2, trong đó ga đi/đến nội địa 5.004 m2; ga đi/đến quốc tế 4.968 m2. Công suất thiết kế nhà ga tương ứng 2 triệu hành khách/năm, tương đương 830 hành khách/giờ cao điểm (trong đó quốc nội 415 hành khách/giờ cao điểm và quốc tế 415 hành khách/giờ cao điểm).

Sau khi nâng cấp, công bố, CHK Liên Khương sẽ là Cảng hàng không quốc tế đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên. Đây là điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế xã hội cho khu vực các tỉnh Tây Nguyên nói chung và 2 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận nói riêng trong thời gian tới.

Tuyến đường sắt răng cưa độc đáo ở Việt Nam

Tuyến đường sắt từ Tháp Chàm, tỉnh Ninh thuận (có ga nằm trên trục đường sắt Bắc-Nam) với Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng được khởi công từ năm 1908. Quá trình thi công xây dựng kéo dài do đó đưa vào khai thác từng chặng, bắt đầu từ năm 1917 (chặng Tháp Chàm-Sông Pha với 41 km) và đến năm 1932 thông tàu toàn tuyến với tổng chiều dài gần 84 km, đặc biệt có 10 km chạy bằng bánh răng cưa khai thác từ năm 1928 (Sông Pha-Eo Gió). Tàu chạy bằng đầu máy hơi nước, qua các địa bàn của 2 tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng.

Theo Kế hoạch số 7146/KH-UBND ngày 18/8/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của UBND tỉnh Lâm Đồng, mục tiêu cụ thể đến năm 2030 sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp, khai thác có hiệu quả tuyến đường sắt Đà Lạt-Tháp Chàm phục vụ du lịch. Đây là tuyến đường sắt kết nối với tuyến đường Bắc-Nam, góp phần đắc lực phát triển kinh tế, xã hội của 2 tỉnh vùng núi và vùng biển.

Theo Bộ Giao thông vận tải, dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm- Đà Lạt đã có nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu và đang triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Theo đó, đầu năm 2023, Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng trình Bộ Giao thông vận tải dự thảo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt theo phương thức PPP.

Ga Đà Lạt phối hợp với thành phố Đà Lạt vừa đưa chặng chạy tàu hỏa hiện có vào phục vụ du khách ban đêm   

Toàn bộ tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt dự kiến có 16 ga và trạm khách, bổ sung hai ga và hai trạm khách so với tuyến cũ. Đường khổ rộng 1m, tốc độ thiết kế 30-60 km/h, sử dụng đầu máy diesel và toa xe tải trọng nhẹ. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 01/2025 đến 6/2029.

Dự án có hai hợp phần gồm hợp phần khôi phục đoạn tuyến từ Ga Tháp Chàm (Ninh Thuận) đến Ga Trại Mát (Đà Lạt- Lâm Đồng) dài hơn 76km; khôi phục và xây dựng mới cầu, hầm, ga... Hợp phần hai là nâng cấp đoạn tuyến từ Ga Trại Mát đến Ga Đà Lạt. Đoạn tuyến này hiện đang khai thác dài 6,7km và tôn tạo, bảo tồn hai Ga Đà Lạt, Ga Trại Mát.

Tại Báo cáo tiền khả thi, nhà đầu tư cho biết tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 28.980 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng hơn 4.510 tỷ đồng và thiết bị 9.240 tỷ đồng… Nhà đầu tư đề xuất ngân sách Nhà nước tham gia dự án khoảng 2.160 tỷ đồng và dự kiến vay khoảng 22.800 tỷ đồng.

Tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt từ vùng ven biển lên miền cao nguyên có độ cao 1.500 m, là tuyến đường sắt độc đáo không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới. Kiến trúc nhà Ga Đà Lạt cùng với Trường Grand Lycée Yersin (nay là Trường Cao đẳng Đà Lạt) từng được đánh giá là hai công trình có kiến trúc và mỹ thuật đẹp nhất ở Đông Dương. Cả hai công trình đã được công nhận là Di tích kiến trúc cấp quốc gia.  

Minh Đạo