Văn hóa, du lịch

Ngành du lịch chuyển đổi xanh để phát triển bền vững

Thứ hai, 15/4/2024 | 10:19 GMT+7
Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM Hà Nội 2024), Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa tổ chức Diễn đàn Du lịch Việt Nam - chuyển đổi xanh để phát triển bền vững tại Hà Nội.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu nhận định, xu hướng du lịch xanh, chất lượng, bảo đảm sức khỏe đang được đề cao và trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều du khách. Phát triển xanh là quá trình xanh hóa trong tư duy, hành động để các cá nhân, tập thể hình thành văn hóa xanh. Chỉ khi nhận thức rõ điều này, ngành du lịch mới có những điểm đến xanh, sản phẩm xanh và dịch vụ xanh.

Theo ông Hà Văn Siêu, thích ứng với biến đổi khí hậu vừa là trách nhiệm vừa là cơ hội để Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Mọi sự thay đổi của xã hội và tự nhiên đều tác động đến du lịch, do đó những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường khiến ngành gặp không ít khó khăn. Vì thế, chuyển đổi xanh là quá trình tất yếu của du lịch Việt Nam.

Diễn đàn Du lịch Việt Nam - chuyển đổi xanh để phát triển bền vững

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, trong xu thế cả nước chuyển đổi xanh, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chủ động vận động các doanh nghiệp du lịch cả nước thực hiện chuyển đổi xanh để chung tay bảo vệ môi trường. Cụ thể, Hiệp hội thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế xanh trên cơ sở phát triển các sản phẩm du lịch xanh, dịch vụ xanh và nâng cao nhận thức, hành động của hệ thống doanh nghiệp để toàn ngành phát triển bền vững, hiệu quả.

Ông Patrick Haverman, Phó đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam góp ý, quá trình chuyển đổi xanh trong du lịch ở Việt Nam cần tập trung vào các vấn đề về quy hoạch xanh, quản lý điểm đến hiệu quả, du lịch không rác thải nhựa và carbon thấp, du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên. 

Thêm vào đó, giao thông xanh cũng có tiềm năng lớn để thúc đẩy du lịch xanh. Theo đó, cần khuyến khích giao thông xanh trong du lịch để cung cấp thêm các phương tiện giao thông linh hoạt và thân thiện với môi trường cho khách du lịch. Sáng kiến này sẽ góp phần cải thiện chất lượng không khí tại địa phương, thúc đẩy đóng góp của ngành du lịch cho các cam kết của Chính phủ trong việc đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Ông  Patrick Haverman cũng chỉ ra rằng, Việt Nam có một diện tích rất lớn các khu bảo tồn trên đất liền và trên biển, đây là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên, là lĩnh vực có sự giao thoa giữa văn hóa bản địa, bảo tồn đa dạng sinh học và tăng trưởng kinh tế nông thôn, miền núi. Lưu ý, việc triển khai quá trình này đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp lập kế hoạch tỉ mỉ và cân nhắc kỹ lưỡng để bảo đảm mọi hoạt động du lịch phải phù hợp với mục tiêu bảo tồn thiên nhiên môi trường. Đồng thời, tích cực thu hút sự tham gia của cộng đồng, địa phương hình thành văn hóa xanh trong lối sống để vừa bảo tồn môi trường vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trong khuôn khổ diễn đàn, các nhà quản lý, chuyên gia và đại diện doanh nghiệp cùng thảo luận về trách nhiệm, sự vào cuộc của các bên liên quan trong việc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, định vị thương hiệu du lịch Việt trên thế giới. Bên cạnh đó, đóng góp nhiều giải pháp nhằm nâng cao sự tăng trưởng của doanh nghiệp và đời sống của người lao động trong lĩnh vực du lịch.

Phương An (T/H)