Nông nghiệp sạch

Phát triển bền vững ngành quế Việt Nam

Thứ tư, 15/11/2023 | 16:07 GMT+7
Ngày 15/11, Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo quốc gia Phát triển bền vững ngành quế Việt Nam.

Theo thông tin tại hội thảo, năm 2022 Việt Nam là quốc gia sản xuất quế đứng đầu thế giới với kim ngạch đạt trên 292 triệu USD. Tính đến hết tháng 10/2023, Việt Nam xuất khẩu được 74.744 tấn quế, với 220,3 triệu USD, tăng 19,2% về lượng và nhưng giảm 1,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu quế trung bình 10 tháng đạt 2.948 USD/tấn, giảm 17,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Thị trường xuất khẩu chính của quế Việt Nam là Ấn Độ (chiếm 43,9% thị phần), tiếp đến là Mỹ, Bangladesh…

Để nhân rộng vùng trồng cây quế, các kiểm lâm viên đã xây dựng mô hình trồng thâm canh cây quế ngọc với mật độ cao từ 4.444 - 15.625 cây/ha, trên 7ha tại 90 hộ gia đình ở huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Nhân rộng vùng trồng, phát tiển bền vững sản phẩm quế Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, nhiều địa phương có đủ điều kiện trồng, phát triển cây quế và xác định đây là một trong những cây lâm sản ngoài gỗ cho giá trị kinh tế cao. Cây quế hiện là sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng sâu vùng xa, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương.

Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, thị trường quốc tế và Việt Nam có nhu cầu cao với các sản phẩm giá trị gia tăng, hữu cơ, thực phẩm chức năng để tăng khả năng miễn dịch, chống chọi dịch bệnh như gừng, nghệ, quế... Quế Việt là sản phẩm có nhiều tiềm năng xuất khẩu nhưng phải chịu tác động trước xu hướng tiêu dùng xanh, giảm phát thải khí carbon; sản phẩm phải truy xuất nguồn gốc; đảm bảo chất lượng, đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. 

Tuy đứng đầu thế giới về xuất khẩu quế nhưng Việt Nam chưa có định hướng chiến lược phát triển bền vững sản phẩm này ở cấp quốc gia; thiếu cơ chế để đưa ra những nghiên cứu nhằm kịp thời phản hồi yêu cầu của thị trường. Chất lượng cây giống còn bỏ ngỏ, chưa có nghiên cứu giống đầu dòng. Đây là nguyên nhân chính khiến cho sản lượng quế Việt Nam thấp so với quế thế giới, đặc biệt là Trung Quốc.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Huỳnh Tiến Dũng, Giám đốc quốc gia Tổ chức IDH tại Việt Nam cho biết, thời gian qua, với sự kết nối của IDH và một số tổ chức phi chính phủ, khối công - tư đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động đối thoại, hợp tác xây dựng tài liệu tập huấn cho nông dân, phối hợp với các công ty quế thực hiện nhiều dự án liên kết sản xuất quế bền vững, thí điểm công cụ đo phát thải carbon trong chuỗi cung ứng quế.

Ông Triệu Văn Lực, đại diện Nhóm công tác PPP đã đưa ra định hướng phát triển ngành quế gồm: xác định quỹ đất, quy mô vùng trồng; hoàn thiện thể chế, chính sách, cơ chế đặc thù cho quế; nghiên cứu, chọn, tạo, sản xuất giống cây quế; phát triển vùng nguyên liệu; tổ chức sản xuất, phát triển cơ sở sơ chế, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Các chuyên gia, đại diện hội nông dân, nhà sản xuất cũng cùng trao đổi về khó khăn, thuận lợi trong việc sản xuất quế chất lượng; từ đó đề ra phương hướng, giải pháp để phát triển bền vững ngành quế Việt Nam.

Bảo An