Văn hóa, du lịch

Phát triển du lịch dựa trên lợi thế của hệ thống bảo tàng

Thứ sáu, 7/8/2020 | 15:35 GMT+7
Với lợi thế về vị trí, kết cấu kiến trúc mang dấu ấn thời đại, hiện vật trưng bày phong phú, đa dạng, bảo tàng có nhiều lợi thế trong phát huy giá trị tinh hoa dân tộc, thu hút khách du lịch đến thăm quan.

Bảo tàng là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc qua các thời kỳ hình thành và phát triển. Vì vậy, muốn tìm hiểu và chiêm ngưỡng những thành tựu của một nền văn hóa thì bảo tàng là lựa chọn hàng đầu. Những năm gần đây, một số công trình kiến trúc cổ đã được quy hoạch thành bảo tàng, đây là hướng đi đúng đắn vừa giúp lưu giữ, bảo tồn, tránh lãng phí giá trị của các tòa nhà vừa giúp quảng bá, giới thiệu về nét đẹp Việt Nam, phát triển du lịch.

Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh và bảo tàng Chứng tích Chiến tranh luôn là nơi thu hút đông khách du lịch. Trong đó, bảo tàng Chứng tích Chiến tranh đón khoảng nửa triệu khách tham quan mỗi năm (60 – 70% là khách nước ngoài); bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh đến nay đã đón được trên 20 triệu lượt khách.

Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh xưa là dinh Gia Long

Khách du lịch đến với các bảo tàng cũng rất đa dạng, từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, lứa tuổi, trình độ học vấn và mục đích tham quan khác nhau. Bảo tàng Mỹ thuật đón tiếp khoảng 76.000 lượt khách trong nước và khoảng 34.000 lượt khách quốc tế. Bảo tàng Phụ nữ từ khi thành lập đến nay đã thu hút trên 3 triệu lượt khách thăm quan, trong đó có gần 2.000 đoàn khách nước ngoài.

Ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh, các bảo tàng hầu hết tọa lạc ở khu vực trung tâm, đắc địa và mang tính kết nối, phức hợp. Những bảo tàng này trước đây đều là những công trình kiến trúc cổ, dinh thự lâu đời, có kết cấu phong thủy hài hòa, thuận lợi nhiều mặt. Do đó, khi đến bảo tàng, du khách còn được biết thêm những giá trị, ý nghĩa lịch sử của các công trình kiến trúc nổi bật đã có tuổi đời hàng trăm năm.

Cụ thể, bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh và bảo tàng Mỹ thuật mang kiểu dáng kiến trúc phương Tây cận đại; bảo tàng Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa kiến trúc Đông – Tây…

Những năm gần đây, hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch ngày được chú trọng trong phát triển bảo tàng. Nhiều bảo tàng ngoài trưng bày hiện vật theo từng chủ đề, còn thường xuyên tổ chức triển lãm chuyên đề về văn hóa, lịch sử con người để thu hút khách du lịch.

Một gian trưng bày của bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Bảo tàng thành phố Hồ CHí Minh đã trưng bày nhiều hiện vật về nghề dệt thổ cẩm Nam Bộ, gốm Nam Bộ, công cụ sản xuất của ngư dân Nam Bộ… và tổ chức các hoạt động phục dựng ngay trong bảo tàng, tạo cảm giác gần gũi cho khách tham quan và hiểu biết sâu hơn về nền văn hóa dân gian ở Nam Bộ.

Còn ở bảo tàng Chứng tích Chiến tranh với thông điệp “Tố cáo tội ác, hậu quả chiến tranh xâm lược ở Việt Nam, kêu gọi gìn giữ hòa bình” lại mang đến cho du khách sự xúc động, khâm phục trước những hy sinh, chiến công của một thời đại anh hùng trong cuộc chiến giành lại độc lập dân tộc.

Các bảo tàng hiện nay không chỉ gói gọn trong hoạt động triển lãm, mà còn là kênh truyền thông sinh động, giúp cho thế hệ sau và bạn bè quốc tế hiểu biết thêm về đất nước, con người Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử. Việc xây dựng thêm nhiều loại hình dịch vụ thu hút khách du lịch, tăng cường quảng bá văn hóa, lịch sử Việt Nam đến với công chúng nên tiếp tục được chú trọng, xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa.

Thanh Bảo (t/h)