Nông nghiệp sạch

Phổ biến quy định nhập khẩu nông sản thực phẩm vào thị trường châu Âu

Thứ ba, 7/5/2024 | 15:06 GMT+7
Ngày 7/5, Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm, Ủy ban châu Âu (DG-SANTE) phối hợp với Văn phòng SPS Việt Nam tổ chức hội nghị “Phổ biến các quy định nhập khẩu nông sản thực phẩm nguồn gốc động thực vật vào thị trường EU”.

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế và các cơ quan truyền thông, báo chí. Sự kiện cũng thu hút sự tham gia của các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, đại diện một số hiệp hội như cà phê - ca cao, hồ tiêu và cây gia vị, rau quả, điều, chế biến và xuất khẩu thủy sản...

Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, DG-SANTE bao gồm hai nội dung chính, đó là các quy định nhập khẩu sản phẩm tổng hợp và một số biện pháp kiểm soát chính thức được Liên minh châu Âu (EU) đưa ra.

Trong đó, sản phẩm tổng hợp xuất hiện ngày một nhiều và đang dần trở thành nguồn thực phẩm chính cho con người như cá hồi tươi xiên, gà tươi xiên tiêu, sushi... Phía EU định nghĩa, đây là toàn bộ những sản phẩm có nguồn gốc thực vật và sản phẩm chế biến có nguồn gốc động vật.

Theo ông Ngô Xuân Nam, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường châu Âu đạt khoảng 5,3 tỷ USD. Đây là thị trường lớn thứ ba của Việt Nam nên việc tìm hiểu những quy định về nhập khẩu của EU là hết sức quan trọng. Do đó, hội nghị rất hữu ích với cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và người trực tiếp sản xuất; tạo cơ hội cho người nông dân nắm rõ thông tin, tiến tới công khai, minh bạch các vấn đề về thị trường xuất khẩu nông sản.

Phổ biến các quy định nhập khẩu nông sản vào thị trường EU

Thông qua hội nghị, Phái đoàn EU giới thiệu những quy định liên quan về vệ sinh, an toàn thực phẩm với sản phẩm tổng hợp; các quy tắc về xuất xứ; kế hoạch giám sát dư lượng trên sản phẩm tổng hợp, biện pháp kiểm dịch, dựa trên thông lệ quốc tế mà WTO ban hành.

Về biện pháp kiểm soát, mọi nhà cung cấp, nhập khẩu thực phẩm vào thị trường EU đều có trách nhiệm đảm bảo việc tuân thủ những biện pháp giảm thiểu, ngăn ngừa rủi ro với tần suất thích hợp.

Để dễ dàng kiểm soát, EU chia sản phẩm nhập khẩu thành hai loại, ít rủi ro và rủi ro cao. Trong đó, những sản phẩm ít rủi ro sẽ không yêu cầu kiểm soát tại cửa khẩu một cách hệ thống. Ngược lại, sản phẩm rủi ro cao (chủ yếu có nguồn gốc động vật) sẽ cần nhiều biện pháp kiểm dịch, giám sát thú y. 

Tương ứng với mỗi loại rủi ro, EU sẽ đưa ra một cách giám sát khác nhau, như yêu cầu giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp, tần suất kiểm tra tại cửa khẩu...

Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam mong muốn EU tiếp tục hỗ trợ Văn phòng SPS Việt Nam cập nhật thông tin, quy định liên quan đến an toàn thực phẩm tới các doanh nghiệp khi xuất khẩu sản phẩm vào EU; đồng thời tăng cường năng lực cho hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cũng như mạng lưới kiểm dịch động thực vật của Việt Nam.

DG-SANTE là cơ quan thực thi các chính sách của EU về an toàn sức khỏe và thực phẩm. Những khuyến nghị, đề xuất của tổ chức này có tác động lớn đến toàn bộ 27 quốc gia thành viên. Nửa đầu năm 2023, DG-SANTE đã trực tiếp đến Việt Nam, thẩm định về an toàn thực phẩm của mặt hàng thủy sản. Đây là bước quan trọng để nước ta tiến tới gỡ thẻ vàng IUU (hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý).
 
Mộc Trà (T/H)