Văn hóa, du lịch

Tập trung sáng tạo, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Thứ sáu, 19/1/2024 | 11:29 GMT+7
Trong giai đoạn tới, để chuyển hóa tài nguyên văn hóa tiềm năng thành các sản phẩm và dịch vụ văn hóa có khả năng cạnh tranh cao cần triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, quyết liệt, kiên trì, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các chính sách có tính chất đột phá.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 21/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Thông báo nêu, văn hóa Việt Nam là kết tinh thành quả hàng nghìn năm văn hiến, lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu, tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn hóa trên thế giới để không ngừng hoàn thiện và phát triển. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh, con người Việt Nam anh hùng, mến khách, yêu quý bạn bè, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Công nghiệp văn hóa đề cập đến các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật, sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể; thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm, dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hóa để thu về những nguồn lợi kinh tế.

Không ngừng hoàn thiện và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Những năm qua, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng; nguồn vốn đầu tư vào ngành đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa có những bước tiến mới, thể hiện qua việc xây dựng cơ sở dữ liệu, đào tạo nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, mạng lưới liên kết, kết nối các trung tâm văn hóa, không gian sáng tạo.

Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển công nghiệp văn hóa phải dựa trên các quan điểm cơ bản sau: bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, bản sắc, thống nhất trong đa dạng và dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; phát triển có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với quy luật cơ bản của kinh tế thị trường, xu thế thời đại; gắn liền với quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; đáp ứng được các yếu tố "sáng tạo - bản sắc - độc đáo - chuyên nghiệp - lành mạnh - cạnh tranh - bền vững" trên nền tảng "dân tộc - khoa học - đại chúng"; từng bước tạo dựng thương hiệu mang tầm quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; lựa chọn và triển khai một số chính sách có tính chất đột phá; cần tư duy sắc bén, hành động sắc sảo, lựa chọn tinh hoa để đột phá phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Theo Thông báo, thời gian tới, việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phải đồng bộ, quyết liệt, kiên trì, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào chính sách có tính chất đột phá nhằm chuyển hóa tài nguyên văn hóa tiềm năng thành các sản phẩm và dịch vụ văn hóa có khả năng cạnh tranh cao. Các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa; chủ động, tập trung, phối hợp chặt chẽ, khuyến khích mọi sự tìm tòi, sáng tạo, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp cao vào GDP.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, tổ chức liên quan và các địa phương xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, trong đó tập trung định hướng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và giải pháp thực hiện, bảo đảm sát tình hình, khả thi; giao trách nhiệm, nhiệm vụ đầy đủ, cụ thể, phù hợp cho các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp, đội ngũ chuyên gia, nhân lực sáng tạo trong nghiên cứu, đề xuất, xây dựng, tổ chức triển khai nhiệm vụ, giải pháp về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là về cơ chế, chính sách, nội dung về tăng cường liên kết, kết nối, hình thành mạng lưới không gian sáng tạo.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động lựa chọn, xác định việc xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam hoặc xây dựng các đề án, kế hoạch cụ thể phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế của Việt Nam cho giai đoạn tới, khẩn trương trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trong năm 2024.

Thanh Bảo