Văn hóa, du lịch

Thêm 10,8 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo các di tích ở Hà Tĩnh

Thứ ba, 24/11/2020 | 15:29 GMT+7
Hà Tĩnh được coi là đất tụ cư của người Việt cổ, là “phên dậu” phía Nam trong một thời kỳ lịch sử khá dài. Chính vì thế, Hà Tĩnh sở hữu một kho tàng di sản văn hóa vật thể khá phong phú. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết nên một số công trình bị hư hỏng đang được tu sửa, tôn tạo lại.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, liên tục bị thiên tai, chiến tranh tàn phá, nhiều di sản ở Hà Tĩnh bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều di tích chỉ còn là phế tích. Với sự nỗ lực trong công tác bảo tồn, qua nhiều giai đoạn, nhất là từ khi có Luật Di sản văn hóa, hệ thống di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn đã từng bước được khảo sát, nghiên cứu, xếp hạng, trùng tu.

Trước đó, Can Lộc có 54 di tích lịch sử đã được trùng tu, tôn tạo (88 lần) với tổng kinh phí 103,828 tỷ đồng (trong đó nguồn xã hội hóa là 44,795 tỷ đồng). Tỉnh luôn chú trọng gắn công tác bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích với phát triển du lịch. Nhờ đó, ngày càng có nhiều di tích được biết đến rộng rãi và nhận được nhiều nguồn hỗ trợ để tiếp tục đầu tư, tôn tạo, phát huy giá trị trong đời sống nhân dân.

Di tích lịch sử cấp tỉnh nhà thờ Nguyễn Tâm Hoằng, xã Kim Song Trường (Can Lộc)

Mới đây, ông Trần Tiến Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký quyết định về việc phân bổ số tiền 10,8 tỷ đồng thực hiện trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp di tích trên địa bàn. Theo đó, 74 di tích ở các địa phương sẽ được trùng tu, tôn tạo trong đợt này với số tiền thấp nhất cho một di tích là 80 triệu đồng và cao nhất là 450 triệu đồng.

Cụ thể, Nghi Xuân: 10 di tích; Đức Thọ: 9 di tích; Cẩm Xuyên: 6 di tích; Hương Sơn: 5 di tích; Hương Khê: 4 di tích; Can Lộc: 7 di tích; Thạch Hà: 12 di tích; TP Hà Tĩnh: 5 di tích; Lộc Hà: 6 di tích; TX Hồng Lĩnh: 3 di tích; Vũ Quang: 2 di tích; Kỳ Anh: 3 di tích và TX Kỳ Anh: 2 di tích.

Các di tích lịch sử được bảo tồn và phát huy giá trị đã góp phần giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Bên cạnh đó, các lễ hội gắn với di tích được đông đảo nhân dân hưởng ứng, tạo điều kiện giao lưu, kết nối cộng đồng, góp phần bảo tồn những nét đẹp văn hóa của quê hương, dân tộc, thúc đẩy phát triển du lịch, trở thành nguồn lực quan trọng góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh) Nguyễn Tùng Lĩnh cho biết, việc duy tu, tôn tạo sẽ giúp nâng cao công tác quản lý, bảo tồn chống xuống cấp di tích trên địa bàn.

Gia Linh (T/H)