Trong nước

Tiêu chuẩn cốt lõi để một sản phẩm được gắn nhãn “Made in Vietnam”

Thứ hai, 19/8/2019 | 09:00 GMT+7
Nếu người sản xuất vi phạm một trong những công đoạn gia công chế biến đơn giản thì dù có vượt qua ngưỡng hàm lượng giá trị khu vực 40% hoặc đáp ứng được tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa thì doanh nghiệp vẫn không thể có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Trước những lùm xùm về vấn đề dán nhãn hàng hóa “Made in Vietnam” của Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo, mới đây, Bộ Công Thương đang soạn thảo một văn bản quy định về việc thế nào là hàng hoá sản phẩm của Việt Nam và hàng hóa sản phẩm sản xuất tại Việt Nam để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước, đồng thời sẽ xây dựng dự thảo với danh mục gia công chế biến đơn giản rất ngắn nhằm tạo điều kiện hết sức cho các doanh nghiệp và ngăn chặn được tình trạng gian lận thương mại.

Trước khi có văn bản mới, hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa theo Nghị định 43 ban hành năm 2017 của Chính phủ. Nghị định này quy định bắt buộc mọi hàng hoá lưu hành tại Việt Nam đều phải dán nhãn. Trên nhãn đó có một số thông tin bắt buộc như tên nhà sản xuất, tên tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm lưu thông hàng hóa và xuất xứ hàng hoá...

Nghị định này cũng quy định tại Điều 15, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân lưu thông hàng hoá có trách nhiệm tự xác định thông tin để đưa lên nhãn hàng hoá.

Tuy nhiên, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thương mại (FTA) khác nhau. Các hiệp định này có quy định về hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan nhưng lại chưa có quy định áp dụng với nhãn hàng tại thị trường nội địa. Do đó, để xác định, các doanh nghiệp sẽ chọn áp dụng một nguyên tắc trong nước hoặc một cam kết quốc tế để xác định mặt hàng đó "Made in" ở đâu. Nếu các quy định trong nước và quốc tế có xung đột thì thường doanh nghiệp sẽ chọn áp dụng nguyên tắc quốc tế.

Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc (ACFTA)

Thực hiện cam kết quốc tế trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), ngày 30/7/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương ký ban hành Thông tư số 12/2019/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Trong đó, thông tư công nhận hai tiêu chí sau sẽ được coi là có quá trình chuyển đổi cơ bản diễn ra, đồng nghĩa với việc hàng hóa được công nhận là có xuất xứ. 

Thứ nhất, hàng hóa có hàm lượng giá trị khu vực (Regional Value Content “RVC”) không thấp hơn 40% trị giá FOB (trị giá hàng hóa đã giao qua mạn tàu) tức 40% giá trị hàng hóa phải có xuất xứ FTA (có thể nhập khẩu 30%). Cụ thể như, một chiếc ti vi có toàn bộ các yếu tố đầu vào được nhập khẩu từ Trung Quốc hay từ bất kỳ một nước thành viên nào của Hiệp định ASEAN - Trung Quốc và chứng minh được các yếu tố đầu vào này đáp ứng tiêu chuẩn thì khi đó nó chỉ cần được lắp ráp thành thành phẩm hoàn chỉnh ở Việt Nam, tương đương với yếu tố đầu vào đã được cộng gộp là trên 40%, là sẽ được công nhận sản xuất tại Việt Nam khi xuất khẩu đến bất kỳ thị trường thành viên nào của Hiệp định ASEAN - Trung Quốc.

Thứ hai, tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC) bao gồm các yếu tố đầu vào (hữu hình) có mã HS cho từng yếu tố để tạo ra yếu tố thành phẩm có mã HS riêng. Nếu cho một chiếc ti vi thành phẩm có mã HS 6 số thì chỉ cần sai khác ở 2 số cuối là đã được coi là trải qua quá trình chuyển đổi cơ bản và có thể được cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Do đó, tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa này cho phép doanh nghiệp có thể sử dụng 100% nguyên liệu nhập khẩu hoặc không xác định về xuất xứ trong quá trình sản xuất ra sản phẩm. Miễn là quy trình đó thỏa mãn quy định diễn ra sự chuyển đổi mã số hàng hóa và quy trình sản xuất của doanh nghiệp vượt qua công đoạn gia công đơn giản, đồng nghĩa với việc đơn vị sản xuất phải có nhà máy, dây chuyền sản xuất ở Việt Nam để cho ra sản phẩm hoàn thiện từ các linh kiện hoặc cụm linh kiện.
 

Thanh Tâm