Sức khỏe

Triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023

Thứ sáu, 10/11/2023 | 11:27 GMT+7
Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 được triển khai với chủ đề “Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.

Phát biểu tại buổi thông tin về Tháng Hành động quốc gia, phòng chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12) vừa diễn ra, ông Bùi Hoàng Đức, Phó Trưởng Phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, toàn cầu hiện có 39 triệu người nhiễm HIV, riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 6,5 triệu người nhiễm HIV, chiếm 16%.

Việt Nam ước tính có gần 250.000 nhiễm HIV, đã đưa vào quản lý được 231.000 người. Ca nhiễm phân bổ tập trung ở các tỉnh phía Nam, trong đó 60% người nhiễm HIV được phát hiện mới tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, thành phố Hồ Chí Minh.

Một số địa bàn không “trọng điểm” như Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long cũng đang ghi nhận ca nhiễm HIV tăng liên tục từ năm 2020 đến nay. Đáng lưu ý, tỷ lệ người nhiễm HIV trong nhóm tuổi 16 - 29 có xu hướng tăng từ năm 2022 đến nay, chiếm gần 50% số người nhiễm HIV được phát hiện.

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023

Ông Bùi Hoàng Đức thông tin thêm, từ năm 2021, HIV lây truyền qua đường máu duy trì xu hướng giảm nhưng đường lây truyền qua đường tình dục lại tăng trên 80%. Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng giới (MSM) chiếm 49% tổng số ca nhiễm và ghi nhận tỷ lệ nhiễm HIV cao trong nhóm chuyển giới; tỷ lệ người nghiện chích ma túy nhiễm HIV giảm còn khoảng 6%; vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV chiếm 4%.

Theo số liệu nghiên cứu mới nhất, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm người chuyển giới nữ cũng tăng cao. Năm 2022, tỷ lệ này ở Hà Nội là 5,8%; thành phố Hồ Chí Minh là 16,5% năm 2020.

Trong 9 tháng đầu năm, các chỉ tiêu ngành y tế đặt ra về giám sát, điều trị, dự phòng HIV cơ bản đều đạt trên 90%, riêng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) đạt trên 100%. Về tiến độ thực hiện 95-95-95, đến nay có khoảng 219.907/249.000 người biết tình trạng HIV của mình, đạt mục tiêu 88%; 177.009 người tham gia điều trị ARV, đạt mục tiêu 80% và 98,4% số người có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế.

Với những thành tựu này, Cục Phòng, chống HIV/AIDS tin tưởng đến năm 2025, Việt Nam sẽ đạt cả 3 chỉ tiêu quốc gia đặt ra, ông Bùi Hoàng Đức nhấn mạnh.

Theo Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Võ Hải Sơn, dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng ca nhiễm mới, nhất là nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm MSM. Các can thiệp cho nhóm này tương đối khó khăn vì cộng đồng này ẩn, khó tiếp cận. Bên cạnh đó, cộng đồng vẫn còn kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

Thời gian tới, Cục Phòng, chống HIV/AIDS mong muốn các địa phương tiếp tục triển khai, duy trì hiệu quả hoạt động dự phòng, chăm sóc, điều trị, bởi 85% người nhiễm HIV được quản lý điều trị không còn khả năng lây nhiễm cho cộng đồng.

Trước mắt, Việt Nam cần mở rộng điều trị HIV/AIDS do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả; tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, khu vực tư nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Giám đốc Quốc gia CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam Eric Dzuiban nhận định, hiện Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về đáp ứng y tế công cộng. Các bài học của Việt Nam đã và đang được các nước khác học hỏi để triển khai. Tuy nhiên, có một vấn đề mà Việt Nam cần lưu ý như bài học ban đầu ứng phó với HIV để bảo đảm công tác ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ; truyền thông cần thận trọng trong đưa tin về ca bệnh, không làm tăng sự kỳ thị của cộng đồng với nhóm quan hệ tình dục đồng giới.

Thanh Bảo (T/H)