Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long trở thành Khu Ramsar

Thứ ba, 25/6/2019 | 15:24 GMT+7
Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) vừa chính thức đón nhận Bằng công nhận là Khu Ramsar thứ 9 của Việt Nam.

Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long là khu Ramsar 2.360 của thế giới. Nơi đây có nhiều đặc điểm khác biệt so với các khu Ramsar khác tại Việt Nam như: Là khu bảo tồn đạt 5/9 tiêu chí do Công ước Ramsar đề ra, vượt hơn so với quy định tối thiểu là 1/9 tiêu chí.

Khu Bảo tồn đất ngập nước Vân Long có diện tích 2.736 ha (trong đó, 3/4 diện tích là núi đá, 1/4 diện tích là đất ngập nước) là một vùng đất ngập nước nội địa nguyên vẹn, lớn nhất còn sót lại của vùng sinh thái Đồng bằng Bắc Bộ, sở hữu kiểu cảnh quan hệ sinh thái đầm lầy ngập nước và thủy văn ngầm hiếm thấy trong khu vực Đông Dương, bao gồm các dòng sông, hồ nước nông và thảm thực vật ngập nước phong phú, mang các đặc tính sinh thái đặc thù tạo nên cảnh quan thiên nhiên độc đáo.

Khu bảo tồn có những đặc thù về đa dạng sinh học, cảnh quan sinh thái đặc trưng của vùng Đồng bằng Bắc Bộ cùng với sự hiện diện của 22 loài thực vật, trong đó có 8 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Hệ động vật có 39 loài, 19 họ, 8 bộ thú, trong đó, có 12 loài động vật quý hiếm, 9 loài bò sát được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Nơi đây được bao bọc bởi một hệ thống đá vôi rất nổi tiếng với hệ thống hang động đẹp và thảm thực vật đặc trưng cho hệ sinh thái núi đá vôi (karst), là môi trường sống chính của loài voọc mông trắng, một trong những loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức toàn cầu và chỉ còn ở Việt Nam. Khu Bảo tồn Vân Long  còn là nơi cư trú và sinh sản quan trọng của nhiều loài thủy sinh và là nơi cư trú các loài chim nước. Khu vực này đạt 2 kỷ lục về thiên nhiên của Việt Nam là “Khu bảo tồn có đàn voọc lớn nhất Việt Nam” và “Khu vực có bức tranh tự nhiên lớn nhất Việt Nam - bức tranh núi mèo cào”.

(Ảnh minh họa)

Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, trong thời gian tới tỉnh sẽ có hàng loạt các biện pháp nhằm giữ gìn, bảo vệ Khu bảo tồn Vân Long như thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và các quy định khác có liên quan của Việt Nam.

Hai là, chỉ đạo chính quyền các địa phương tại khu bảo tồn tăng cường công tác giáo dục tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường của người dân. Khuyến khích người dân phát triển du lịch sinh thái nhằm giảm sức ép vào tài nguyên rừng.

Ba là, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện cho Mặt trận và đoàn thể tham gia quản lý, tổ chức thực hiện và giám sát công tác bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường; chú trọng đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đa dạng hóa các loại hình hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.

Bốn là, đẩy mạnh hợp tác khu vực và quốc tế, huy động các nguồn lực về tài chính để tăng cường công tác điều tra, thống kê, kiểm kê, đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học, đánh giá các hệ sinh thái, loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và nguồn gen bị suy thoái tại Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long.

Năm là, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã, xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ môi trường.

   

Hà Giang (t/h)