Văn hóa, du lịch

Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập

Thứ hai, 2/10/2023 | 14:34 GMT+7
Ngày Khuyến học Việt Nam (ngày 2/10) trở thành sự kiện mang ý nghĩa kép: liên kết, phối hợp thúc đẩy toàn dân học tập, góp phần xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam, cùng toàn dân đưa Việt Nam trở thành một quốc gia học tập; kỷ niệm ngày khởi đầu cho sự nghiệp học tập suốt đời – “Tuần lễ học tập suốt đời”.

Ngày 16/9/2008, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định lấy ngày 2/10 hàng năm làm Ngày Khuyến học Việt Nam. Sự kiện nhằm mục đích động viên các tầng lớp nhân dân, tổ chức xã hội tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; đồng thời tôn vinh những gương sáng hiếu học, tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác khuyến học.

Sau 15 năm tổ chức, Ngày Khuyến học Việt Nam trở thành sự kiện mang ý nghĩa kép: liên kết, phối hợp thúc đẩy toàn dân học tập, góp phần xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam, cùng toàn dân đưa Việt Nam trở thành một quốc gia học tập; kỷ niệm ngày khởi đầu cho sự nghiệp học tập suốt đời – “Tuần lễ học tập suốt đời”.

Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xã hội học tập

Theo đó, thông qua ngày 2/10, các phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã mang lại nhiều thành quả tốt đẹp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển xã hội học tập ở nước ta. Cụ thể, kể từ ngày thành lập, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự hăng say cống hiến của đội ngũ cán bộ làm khuyến học từ Trung ương đến địa phương, sự tham gia của đông đảo người dân trong cả nước, phong trào khuyến học nhanh chóng phát triển trên toàn quốc, thu được nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào sự nghiệp “trồng người”. Nhờ công tác khuyến học, nhiều phong trào dòng họ, làng, xã thi đua học tập được khôi phục, phát triển mạnh; ý thức học tập suốt đời đã và đang thấm thuần vào từng gia đình, dòng họ, khu dân cư, từng cơ sở đào tạo, từng vùng, miền...; xuất hiện nhiều mô hình hay, tấm gương sáng về tinh thần “học không bao giờ cùng”…

Nhiều nơi đã xây dựng và duy trì có hiệu quả "Quỹ Khuyến học" bên cạnh các hình thức tuyên dương, động viên, khen thưởng tinh thần học tập khác, tạo ra một nét đẹp văn hóa, một phong trào to lớn, có sức lan tỏa rộng rãi. Quan điểm chủ đạo trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là sự phát triển bền vững của đất nước phải bằng tri thức thông qua việc đẩy mạnh hoạt động giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, trong đó tinh thần tự học, học tập thường xuyên, học tập suốt đời của mỗi công dân được coi trọng, là nhân tố quyết định mọi thành công.

Hội Khuyến học Việt Nam được giao thực hiện 5 mô hình học tập trong nhân dân: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” và “Công dân học tập”. Trong đó, nhiều loại hình học bổng phong phú được trao cho cả người lớn, trẻ em đã tạo cơ hội, sự bình đẳng cho người dân trong thực hiện quyền được học tập. Khi thực hiện được 5 mô hình học tập này, đất nước sẽ có nguồn nhân lực chất lượng cao, kinh tế - tri thức của đất nước sẽ phát triển mạnh mẽ, bền vững, đạt các chỉ tiêu do Đại hội XIII đề ra.

Nhân buổi gặp mặt kỷ niệm 15 năm Ngày Khuyến học Việt Nam (2/10/2008 - 2/10/2023), Hội Khuyến học Việt Nam phát động phong trào thi đua "Mỗi người dân tự học, học tập suốt đời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời kỳ chuyển đổi số". Hoạt động nhằm hưởng ứng phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động và hưởng ứng “Tuần lễ học tập suốt đời” với chủ đề "Xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số" của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phát biểu phát động thi đua, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng cho biết, phong trào hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò, tầm quan trọng của việc tự học, học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ chuyển đổi số với mỗi cá nhân, gia đình. Tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình học tập, lấy người dân là trung tâm, đảm bảo mỗi người thực hiện tốt mô hình “Công dân học tập”. Trong đó chú trọng việc tự học sử dụng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tạo chuyển biến thực sự, đạt kết quả thực chất, bền vững phù hợp với chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, góp phần xây dựng xã hội số ở Việt Nam.

Huyền Dung (T/H)