Văn hóa, du lịch

Đền thờ chuột – địa điểm du lịch độc đáo ở Ấn Độ

Thứ năm, 23/1/2020 | 09:00 GMT+7
Trên sàn đá cẩm thạch của đền Karni Mata (hay còn gọi là đền chuột), hàng nghìn con chuột chạy khắp nơi, bò lên cả chân những du khách. Tại đây, chuột không bị xua đuổi mà còn được cho ăn và bảo vệ.

Tại thành phố Deshnoke, thuộc khu Rajasthan, đền Karni Mata được xây dựng vào thế kỷ XV nhưng mãi đến năm 1900 nó mới cơ bản được hoàn thành. Đền chuột cách thủ đô New Delhi chừng 30 phút đi ô tô. Số lượng chuột nơi đây lên đến khoảng 25.000 con. Chuột ở khắp mọi nơi: sưởi nắng trên bậc thềm, ngủ vắt vẻo trên các thanh sắt, nép mình bên hành lang cẩm thạch, trên bậu rửa tay, trên cửa ra vào…

Thực chất đây là nơi để thờ nữ thần Karni Mata – nữ thần sức mạnh và chiến thắng. Du khách có thể nhìn thấy hình ảnh của nữ thần ở thánh đường bên trong.

Đền thờ chuột là địa điểm du lịch độc đáo ở Ấn Độ

Truyền thuyết kể rằng, trong một lần xuống ao uống nước, Laxman - con trai của nữ thần Karni Mata bị chết đuối. Nữ thần đã rất đau khổ và cầu khẩn Yama (thần chết) hồi sinh con trai của mình. Ban đầu, Yama từ chối. Sau đó, tình yêu của người mẹ làm cảm động đến thần chết. Cuối cùng, Yama đồng ý cho Laxman và tất cả con trai của Karni Mata tái sinh thành chuột. Và bà thỏa thuận với thần Yama rằng tất cả các thành viên đã chết trong thị tộc của bà sẽ sống kiếp chuột cho đến khi họ được đầu thai thành người. Kể từ đó, người dân thành phố Deshnoke rất tôn kính loài chuột. Họ cũng tin rằng, sau khi qua đời sẽ được tái sinh thành những con chuột trong đền.

Chuột xuất hiện ở khắp mọi ngóc ngách của ngôi đền

Vẻ bề ngoài của ngôi đền không khác mấy các ngôi đền nổi tiếng khác trên khắp đất Ấn nhưng ngay từ nét chạm chổ bên ngoài, nếu tinh ý, du khách có thể nhận ra các phiến đá cẩm thạch được trạm trổ tinh xảo với rất nhiều hình ảnh chuột từ cổng vào trong đền. Khắp nơi trong đền là các khối trang trí hình chuột bằng vàng và bạc.

Đền chuột miễn phí cho khách tới tham quan. Khi tới đây, du khách bỏ giày dép bên ngoài. Khoảng 7 giờ sáng là thời điểm chuột ra ngoài tìm mồi ăn. Nếu người dân châu Á thường cúng thần phật bằng hoa quả, bánh trái thì “thần chuột” ở đây được cúng bằng sữa. Những chậu sữa lớn được đặt ngay trong ngôi đền, xung quanh là đàn chuột chen chúc thưởng thức. Ngoài sữa, người trong đền còn cho chuột ăn các loại ngũ cốc khác và một loại bánh ngọt tên là Prasad.

Vì chuột được coi là vật thiêng và được tôn kính nhất nơi đây nên không ai được phép làm tổn hại đến chúng. Bước chân vào đền, du khách cần chú ý đi nhẹ, tránh làm kinh động tới bầy chuột. Và nếu lỡ làm chết một con chuột tại đây thì phải bồi thường bằng một con chuột được đúc bằng vàng hoặc bạc nguyên khối. Người ta còn thiết kế nơi trú ngụ cho chuột và làm lưới sắt rào chắn cẩn thận để chúng không bị động vật bên ngoài tấn công.

Du khách tới ngôi đền độc đáo này thường mang theo đồ ăn cho bầy chuột

Trong số hàng nghìn con chuột sống trong đền thờ, một vài con có bộ lông màu trắng được coi là đặc biệt linh thiêng. Người dân ở đây tin rằng, chúng là hóa thân của Karni Mata và 4 người con trai. Ai thấy chuột bạch được coi là gặp phước lành. Tương truyền nếu để chuột chạy qua bàn chân, bạn sẽ gặp may mắn. Đặc biệt, ăn hay uống thực phẩm đã được chuột “nếm” qua được coi là đại phúc.

Lan Anh (t/h)