Kinh tế xanh

Giới thiệu công nghệ xử lý phụ phẩm trong sản xuất và chế biến thực phẩm

Thứ ba, 29/9/2020 | 11:32 GMT+7
Ngày 29/9, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức hội nghị Giới thiệu các công nghệ hỗ trợ giảm lãng phí thực phẩm và xử lý phụ phẩm trong sản xuất và chế biến thực phẩm.

Tại buổi hội nghị, TS Dương Thu Hằng, Viện Cơ điện ngông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT) trình bày về vấn đề đáng báo động ở Việt Nam là thất thoát và hao phí thực phẩm.

Lượng thực phẩm bị sử dụng một cách lãng phí hoặc bị vứt bỏ hiện nay là 1,6 tỷ tấn/năm, tương đương 1.200 tỷ USD. Ước tính đến năm 2030, khoảng 2,1 tỷ tấn thực phẩm (1.500 tỷ USD/năm) sẽ bị lãng phí. Con số trên tương đương với 66 tấn thực phẩm bị vứt bỏ mỗi giây trên thế giới, chiếm khoảng 30% lượng thực phẩm được sản xuất ra.

Việc lãng phí thực phẩm không chỉ gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội mà còn có tác động không nhỏ đối với môi trường. Hoạt động xả thải thực phẩm sẽ làm phát thải 8% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Lãng phí thực phẩm diễn ra liên tục trong cuộc sống

Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, tình trạng lãng phí lương thực thường diễn ra ở khâu sản xuất và chế biến thực phẩm. Nguyên nhân là do cơ giới hóa trong khâu thu hoạch còn lạc hậu; thiếu cơ sở hạ tầng bảo quản và thiếu máy móc cho chế biến sâu; các biện pháp đóng gói và xử lý trong chuỗi cung ứng chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường; hệ thống phân phối sản phẩm còn hạn chế…

Việt Nam có tổng diện tích đất nông nghiệp xấp xỉ 11,5 triệu ha, trong đó tổn thất sau thu hoạch của nước ta là khoảng 20 – 25% (khoảng 8,8 triệu tấn, tương đương 3,9 tỷ USD).

Ông Vũ Hồng Nhật, đại diện Chương trình Không còn nạn đói (Bộ NN&PTNT) cho biết thêm, năm 2020, ước tính mỗi ngày các chợ đầu mối bán được 300 tấn rau và sẽ vứt bỏ 8 – 9% trong số đó; cá và thủy sản sẽ là 12%; hao hụt thịt là 14%. Lượng thực phẩm bị vứt bỏ ở Việt Nam vào khoảng 23%, cao hơn so với các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á.

Ông Vũ Hồng Nhật phát biểu tại hội nghị

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ NN&PTNT đã đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao công nghệ chế biến tiên tiến, áp dụng tiến bộ kỹ thuật về vật liệu, chế phẩm bảo quản vào sản xuất để tạo ra sản phẩm rau quả có giá trị gia tăng cao. Đầu tư nhà xưởng với trang thiết bị phù hợp để hình thành hệ thống các cơ sở sơ chế, đóng gói rau quả tươi, các kho lạnh bảo quản tại các vùng sản xuất tập trung nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Phát triển các dịch vụ logistics để giảm chi phí vận chuyển, lưu thông hoa quả.

Trong thời gian qua, Viện Cơ điện ngông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch cũng đã phát triển và đưa vào vận hành dây chuyền thiết bị công nghệ sơ chế, bao gói bảo quản nho, táo Ninh Thuận, năng suất 500kg/h; sơ chế, bao gói bảo quản thanh long Long An, 2 tấn/h; thông cấp đông siêu tốc bằng chất lỏng, 500kg/h; công nghệ chiên chân không liên tục, 200kg/mẻ.

Cũng trong buổi làm việc, đại diện các đối tác Đan Mạch cũng giới thiệu một số phương pháp hiện đại trong chế biến và bảo quản thực phẩm như: giữ thực phẩm tươi ngon bằng giải pháp vi sinh; kỹ thuật làm sạch và bảo quản gạo phục vụ xuất khẩu; các phương pháp và kỹ thuật bảo quản lạnh…

Kết thúc phiên hội nghị, đại diện hai bên mong muốn sẽ cùng trao đổi, chia sẻ thêm kinh nghiệm về lĩnh vực lương thực thực phẩm, đồng thời mong muốn sẽ tiếp tục hợp tác để cùng phát triển hướng tới tương lai bền vững, thân thiện.

Thanh Tâm