Văn hóa, du lịch

Khai thác tiềm năng du lịch mạo hiểm ở Việt Nam

Thứ năm, 10/9/2020 | 10:46 GMT+7
Du lịch mạo hiểm hiện là một trong những loại hình du lịch thu hút sự quan tâm của khách du lịch ưa khám phá, mong muốn hòa mình với tự nhiên.

Trong Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030, du lịch thể thao mạo hiểm đã được định hướng ưu tiên phát triển tại các địa bàn có địa hình đa dạng, độc đáo. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm nhờ hệ thống sông ngòi chằng chịt, nhiều dãy núi đá vôi, hang động đẹp, nhiều khu rừng nguyên sinh nhiệt đới và các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia rộng lớn.

Đặc biệt, với lợi thế tự nhiên có hơn 3.000 km bờ biển tạo nên những bức tranh phong cảnh sinh động trải dài từ Bắc đến Nam, các đảo nổi tiếng với khu bảo tồn biển, vườn quốc gia có phần diện tích biển là những địa điểm lý tưởng cho các loại hình thể thao như: lặn biển, chèo bè mảng, đua thuyền, lướt ván, nhảy dù, dù lượn, khinh khí cầu…

Sở hữu địa hình với 3/4 là đồi núi với nhiều đỉnh núi cao có độ dốc lớn, hệ thống hang động đặc sắc, nhiều khu rừng nguyên sinh rộng lớn, Việt Nam có thể phát triển du lịch đa dạng với nhiều hoạt động thám hiểm, mạo hiểm khác nhau như đi bộ (trekking), leo núi (hiking), vượt thác, đua ô tô, mô tô, xe đạp, nhảy dù…

Thám hiểm hang Én (Quảng Bình)

Hiện nay, du lịch mạo hiểm không chỉ dành cho khách nước ngoài mà đang dần có sức hút với khách nội địa. Số du khách trong nước chọn thăm quan Phong Nha - Kẻ Bàng đang tăng trưởng với tốc độ khá nhanh. Hai hang động Sơn Đoòng và hang Én thuộc quần thể trên được công nhận là hai trong những hang động lớn nhất thế giới đã giúp Việt Nam trở thành quốc gia hấp dẫn khách du lịch.

Lâm Đồng, Đà Lạt cũng đã trở thành điểm đến được ưa thích hiện nay của những tín đồ đam mê thể thao mạo hiểm thế giới với những hành trình trải nghiệm cảm giác mạnh liên tục được đổi mới, đa dạng hóa.

Bên cạnh đó, hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm ở các địa phương khác cũng đã gây được hứng thú với du khách trong nước và quốc tế. Cụ thể như chương trình leo núi chinh phục đỉnh Fansipan, đỉnh Lang Biang, đỉnh Bạch Mã, đèo Prenn; các chương trình lặn biển ở Nha Trang, Cù Lao Chàm, Phú Quốc, Côn Đảo; đi xe đạp địa hình, xe mô tô thể thao ở vùng núi; chèo thuyền kayak trên vịnh Hạ Long, đảo Cát Bà, nhảy bungee ở Nha Trang…

Với những thành công bước đầu đạt được, cần nghiêm túc đánh giá du lịch mạo hiểm là một “mỏ vàng” giàu trữ lượng và tiềm năng. Nếu khai thác tốt tiềm năng của loại hình du lịch này thì vị thế du lịch Việt Nam sẽ được khẳng định trên bản đồ quốc tế. Tuy nhiên, để tránh những sự cố đáng tiếc, gây ảnh hưởng đến hình ảnh của điểm đến Việt Nam an toàn, mỗi hoạt động mạo hiểm phải luôn có huấn luyện viên chuyên môn đảm trách và sử dụng thiết bị an toàn chuyên dụng, theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ngọc Huyền