Văn hóa, du lịch

Việt Nam đề xuất giải pháp hợp tác phát triển du lịch khu vực ASEAN

Thứ ba, 23/1/2024 | 14:55 GMT+7
Ngày 23/1, tại Vientiane (Lào), Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh dẫn đầu đoàn công tác Việt Nam tham gia Hội nghị Cơ quan du lịch quốc gia ASEAN lần thứ 59.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện các cơ quan du lịch 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Ban Thư ký ASEAN và Timor Leste.

Với chủ đề “Du lịch chất lượng và có trách nhiệm - Vì tương lai ASEAN bền vững”, hội nghị tập trung thảo luận, cập nhật việc triển khai Kế hoạch Chiến lược du lịch ASEAN 2016  - 2025; các quyết định liên quan đến du lịch tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 và 43; kết quả báo cáo của Ủy ban Du lịch ASEAN và vấn đề khác về đối tác, đối thoại, cũng như chuẩn bị, thảo luận chương trình nghị sự và Tuyên bố truyền thông chung của Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 27 cùng các hội nghị liên quan.

Ngoài ra, xem xét báo cáo của 4 Ủy ban hợp tác du lịch ASEAN bao gồm: Ủy ban Cạnh tranh du lịch ASEAN (ATCC), Ủy ban Phát triển du lịch bền vững và toàn diện ASEAN (ASITDC), Ủy ban Giám sát nghề du lịch ASEAN (ATPMC), Ủy ban Nguồn lực, giám sát và đánh giá du lịch ASEAN (ATRMEC).

Quang cảnh hội nghị

Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, năm 2023, Việt Nam đã đón khoảng 12,6 triệu lượt khách quốc tế, trong đó có khoảng 2,1 triệu lượt du khách đến từ các nước ASEAN. Trong năm 2024, đại diện đoàn Việt Nam bày tỏ sự lạc quan về triển vọng phát triển du lịch nói chung, trong đó thị trường du lịch của tất cả các nước ASEAN sẽ phục hồi hoàn toàn.

Ông Nguyễn Trùng Khánh đưa ra một số định hướng và ý tưởng cho hợp tác du lịch khu vực. Cụ thể, xu hướng du lịch chung sau đại dịch Covid-19 là đi lại gần hơn và ngắn hơn, do đó bên cạnh các thị trường mục tiêu dài hạn như Mỹ, Anh, Australia, Ấn Độ và các chiến dịch nội khối, ASEAN cần quan tâm hơn đến hoạt động chung tại ba nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Cần tận dụng thế mạnh của các đối tác, đối thoại để quảng bá du lịch ASEAN; tìm ra các tiêu chuẩn du lịch trong những năm tới, có tính đến các xu hướng mới nổi của khu vực như du lịch golf - sản phẩm hấp dẫn, có thế mạnh ở nhiều quốc gia thành viên ASEAN.

Bên cạnh đó, ASEAN cũng cần nỗ lực phát triển, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, với sự tham gia nhiều hơn của các nước thành viên. Việt Nam là quốc gia dẫn đầu dự án Phát triển sản phẩm mới, với trọng tâm là Du lịch lễ hội. Do đó, Việt Nam đề nghị các thành viên hợp tác cung cấp hình ảnh, tài liệu để hoàn thiện cuốn sách hướng dẫn về các chuyến Du lịch lễ hội ASEAN, các hoạt động tiếp theo để xem xét tổ chức một lễ hội chung trong khu vực.

Tại hội nghị, các đại biểu cùng thảo luận về thiết lập cơ chế hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN - Trung Quốc; chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 27, Hội nghị Cơ quan Du lịch quốc gia ASEAN+3 lần 44, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN+3 lần thứ 23, Hội nghị Cơ quan Du lịch quốc gia ASEAN - Ấn Độ lần thứ 31, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN - Ấn Độ lần thứ 11, Hội nghị Cơ quan Du lịch quốc gia ASEAN - Nga lần thứ 14, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN - Nga lần thứ 3; triển khai Tuyên bố PAKSE về lộ trình ASEAN vì sự phát triển chiến lược của các cụm du lịch sinh thái và hành lang du lịch...

Ngọc Mai (T/H)