Công ty Nước sạch sông Đà không thể “phủi” trách nhiệm

Thứ tư, 23/10/2019 | 15:24 GMT+7
Tại tọa đàm “An ninh nước sạch và các vấn đề pháp lý” diễn ra sáng ngày 23/10 hầu hết các chuyên gia đều nhận định, trong vụ nước sạch sông Đà nhiễm dầu, Công ty Nước sạch sông Đà phải chịu trách nhiệm chính khi bán nước cho người dân.

Tọa đàm do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp cùng với Tạp chí Cấp thoát nước Việt Nam tổ chức.

Theo PGS.TS Ứng Quốc Dũng, nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng, ở các nước, việc bảo vệ nguồn nước rất tốt, gồm có nhiều bước, lớp lang. Tuy nhiên, Việt Nam chưa làm được vấn đề này. Hơn nữa, thời đại 4.0, người ta có thể phát hiện nước thông qua máy móc, công nghệ chứ không phải khi xảy ra rồi mới phát hiện được.

“Chúng tôi và các chuyên gia cho rằng, cổ phần hóa ngành nước phải được thực hiện một cách cẩn trọng. Nước là an ninh quốc gia, an toàn cho tất cả người dân. Vì vậy, chính quyền phải có trách nhiệm, còn nhà máy nước, đơn vị cấp nước chịu trách nhiệm trước chính quyền và người dân. Hiện nay quy định về kiểm soát nước, cung cấp nước của chúng ta còn chưa đầy đủ, có lỗ hổng. Việc này cần thải có các quy định chặt chẽ hơn”, ông Dũng khẳng định.

Các chuyên gia đều cho rằng Công ty Nước sạch sông Đà có trách nhiệm trong sự cố nước sạch nhiễm dầu thời gian qua

Liên quan tới quyền lợi của người dân, luật sư Trịnh Xuân Hải, Giám đốc Chi nhánh Công ty Luật Gia Bảo (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, trong trường hợp cụ thể như thế này, người sử dụng nước là khách hàng. Quyền của khách hàng quy định rất rõ trong nghị định 117, quy định về bồi thường thiệt hại.

“Trong vụ việc này, cơ sở pháp lý đòi bồi thường là có nhưng thực tiễn thì không khả thi. Vì về nguyên tắc, thiệt hại bao nhiêu bồi thường bấy nhiêu, lỗi đến đâu bồi thường đến đó. Giờ xác định lỗi của cơ quan cấp nước là thế nào, lỗi của người đổ trộm dầu thế nào, rất khó xác định. Hiện vẫn chưa có kết luận của cơ quan điều tra về sự việc này, tòa sẽ không thụ lý”, luật sư Trịnh Xuân Hải chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo luật sư Hải, chiểu theo Nghị định 117, công ty cấp nước có lỗi vì chậm cung cấp thông tin cho người dân.

“Ở đây nếu nhân dân không phát hiện, tôi cho rằng cả công ty cấp nước và cơ quan nhà nước cũng không biết, rồi thông tin sẽ bị giấu nhẹm đi. Lỗi ở đây do cả nhà máy cấp nước và cơ quan quản lý nhà nước. Cần có lời xin lỗi của cả công ty và cơ quan nhà nước vì không cung cấp kịp thời thông tin chính xác cho người dân”, luật sư Hải nói và cho rằng bên cạnh việc khởi kiện cần phải tính đến việc sửa đổi những bất cập trong Nghị định 117 như công tác bảo vệ an ninh an toàn nguồn nước, việc cổ phần hóa doanh nghiệp cấp nước, xây dựng chiến lực ứng phó, có các biện pháp thay thế khi có thảm họa xảy ra…

An Nhiên