Nông nghiệp sạch

Đan Mạch hợp tác với Việt Nam sản xuất nông nghiệp và thực phẩm xanh

Thứ năm, 23/11/2023 | 11:14 GMT+7
Ngày 22/11, tại TPHCM, Phái đoàn Nông nghiệp và Thực phẩm bền vững của Đan Mạch phối hợp tổ chức hội thảo chuyên đề “Nông nghiệp cho tương lai: Đối thoại Đan Mạch - Việt Nam về sản xuất nông nghiệp và thực phẩm xanh và tiết kiệm tài nguyên”.

Hội thảo nằm trong Chương trình hợp tác ngành chiến lược dài hạn (SSC) giữa Đan Mạch và Việt Nam, nhằm hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp và thực phẩm theo hướng xanh, bền vững. Trong quá trình hợp tác, các tổ chức và doanh nghiệp hai nước có thể tìm ra những phương thức hợp tác mới, cùng trao đổi ý tưởng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh diễn ra mạnh mẽ hơn. Từ đó, cùng hướng tới mục tiêu đáp ứng nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng về sản phẩm nông sản chất lượng cao, đồng thời đảm bảo sản xuất bền vững, có trách nhiệm với môi trường.

Quang cảnh hội thảo

Theo thông tin tại hội thảo, trọng tâm của ngành nông nghiệp hiện nay là tối ưu hóa năng suất và bảo vệ tính toàn vẹn của đất. Trong sản xuất nông nghiệp thực phẩm, nhu cầu đối với các giải pháp công nghệ có khả năng đảm bảo an toàn, chất lượng và tính bền vững của thực phẩm cũng ngày càng tăng. Tại Liên minh châu Âu (EU), xu hướng này được thể hiện rõ nét với việc ban hành hàng loạt các yêu cầu bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bà Jennifer Phạm, cố vấn phát triển bền vững khu vực, Bộ Ngoại giao Đan Mạch cho biết, Quy định chống phá rừng của EU (EUDR) được thông qua vào tháng 5/2023 sẽ hiệu lực vào năm 2025. Quy định yêu cầu doanh nghiệp thu thập thông tin và truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông nghiệp, đảm bảo không có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng, suy thoái rừng và phải thực hiện báo cáo thẩm định hàng năm.

Chỉ thị về báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp (CSRD) có hiệu lực từ năm 2024 cũng yêu cầu doanh nghiệp thực hiện báo cáo phát triển bền vững theo 13 lĩnh vực cụ thể trong Bộ chỉ tiêu môi trường – xã hội – quản trị (ESG) và trong Tiêu chuẩn báo cáo bền vững châu Âu. Bên cạnh đó, EU còn ban hành chỉ thị về thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp, có hiệu lực vào cuối năm 2026, yêu cầu các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành rủi ro cao (dệt may, da thuộc, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy hải sản, khoáng sản) phải xây dựng, triển khai kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu để đảm bảo mô hình kinh doanh phù hợp với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu toàn cầu.

Để xây dựng hệ thống sản xuất lương thực, thực phẩm bền vững tại Việt Nam, các chuyên gia Đan Mạch đề xuất, Việt Nam cần thực hiện nhiều giải pháp giảm sử dụng tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.

Tại hội thảo, các công ty nông nghiệp, thực phẩm Đan Mạch và Việt Nam cũng thảo luận một số giải pháp xanh giúp nâng cao hiệu quả, tăng cường tính bền vững cho sản xuất nông nghiệp; cũng như chia sẻ các phương pháp, công nghệ mới, sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm. Từ đó, xác định lĩnh vực hợp tác tiềm năng, đặt nền tảng cho sự hợp tác hai bên cùng có lợi trong thời gian tới.

Linh Giang