Văn hóa, du lịch

Hợp tác giáo dục, văn hóa liên khu vực vì sự phát triển bền vững

Thứ sáu, 31/7/2020 | 15:53 GMT+7
Trong khuôn khổ năm Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Liên Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), mới đây nước chủ nhà đã tổ chức Hội nghị “Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững” (AIPA-ECC).

Hội nghị lần này là sáng kiến của Việt Nam với mong muốn các nghị viện thành viên, các đối tác cùng nhau thảo luận về cơ chế hợp tác liên nghị viện AIPA trong các lĩnh vực giáo dục và văn hóa, thực hiện theo Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững bao gồm 17 mục tiêu để chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo thịnh vượng cho tất cả mọi người. Trong đó hợp tác cùng phát triển văn hóa, giáo dục, qua đó góp phần duy trì bản sắc văn hóa ASEAN, xây dựng cộng đồng ASEAN phồn vinh, thịnh vượng và phát triển bền vững là mục tiêu Việt Nam mong muốn thực hiện được.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu: “Với vai trò là các nhà lập pháp, chúng ta cần có hành động để thực hiện trách nhiệm và cam kết của mình đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững như đã được khẳng định trong Tuyên bố Hà Nội tại Đại hội đồng IPU 132 với chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”.

Toàn cảnh hội nghị

Trong khuôn khổ của hội nghị, các bên tham gia sẽ tập trung cho chủ đề hợp tác giáo dục và văn hóa. Đây là những vấn đề lớn có ý nghĩa trong việc xây dựng Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN.

Vấn đề giáo dục trong khối ASEAN hiện đang tồn tại một vài khó khăn như: khoảng cách về giáo dục giữa các nước thành viên vẫn còn khá lớn về chất lượng, trình độ quản lý, ngân sách dành cho giáo dục…; thiếu tính kết nối giữa các hệ thống đào tạo khác nhau và trong việc công nhận bằng cấp của nhau.

Bên cạnh đó, việc bảo tồn các di sản văn hóa trong ASEAN cũng phải đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm và hệ quả của việc khai thác du lịch quá mức.

Khu di tích Đền, tháp Mỹ Sơn - Di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam

Nhằm triển khai hiệu quả công tác bảo tồn và kết nối di sản văn hóa khu vực ASEAN, một số đề xuất, kiến nghị giải pháp đã được ghi nhận tại hội nghị như: tích cực, chủ động tham gia và thực hiện có hiệu quả các điều ước, cam kết quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của Cộng đồng ASEAN; hình thành Hiệp hội Bảo tàng các nước ASEAN; xây dựng trung tâm đào tạo về công tác bảo tồn, tôn tạo, tu bổ di sản mang tầm quốc tế; xem xét, thông qua khung pháp lý tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hơn nữa hợp tác bảo tồn và kết nối di sản văn hóa khu vực ASEAN.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng đề cập đến chủ đề thúc đẩy chuyển đổi số và liên thông giáo dục trong khu vực để phát triển bền vững trong lĩnh vực giáo dục. Ông chia sẻ, công nghệ số là phương pháp hiệu quả để đạt đến mục tiêu chung dài hạn là thúc đẩy chia sẻ tri thức, trao đổi kinh nghiệm, hiểu biết lẫn nhau và lưu thông phân bổ nguồn lực linh hoạt giữa các nước thành viên.

Cuối hội thảo, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng bày tỏ niềm tin tưởng với những kinh nghiệm được chia sẻ, những khuyến nghị đưa ra. Ông khẳng định đây sẽ là những thông tin, bài học quý báu để từng quốc gia nghiên cứu, áp dụng vào thực tiễn hành động, tất cả vì sự phát triển bền vững của khu vực.

Bảo An (t/h)