Trong nước

“Nhức nhối” vấn nạn hàng giả, hàng nhái dù có quyền sở hữu trí tuệ mới

Thứ tư, 28/8/2019 | 13:26 GMT+7
Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã triển khai một số cam kết quan trọng về quyền sở hữu trí tuệ và những điều cần lưu ý trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU. Theo đó, Bộ tăng cường hàng rào kỹ thuật trong thương mại nhằm đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là FTA đầu tiên mà EU ký kết với một nước đang phát triển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Giải thích cho sự hợp tác chiến lược này, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng, Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho rằng, các đối tác nước ngoài đầu tư vào Việt Nam vì Luật Sở hữu trí tuệ ở Việt Nam được thực thi rất tốt, điển hình như Samsung đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam, các hãng giày nổi tiếng trên thế giới như Nike, Adidas cũng sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam vì đây là thị trường ổn định, an toàn, không xảy ra tình trạng ăn cắp bản quyền.

Bộ Công Thương đã triển khai một số cam kết quan trọng về quyền sở hữu trí tuệ và những điều cần lưu ý trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU

Theo ông Lương Hoàng Thái: “Việt Nam cùng với các nước đối tác đã đưa ra được cách xử lý nội dung về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là trí tuệ địa lý, trong đó, chỉ dẫn địa lý lần đầu tiên xuất hiện ở hiệp định thương mại tự do, xử lý được mối quan tâm khác biệt của những đối tác châu Âu”. Đây là lý do Việt Nam là nước đang phát triển hiếm hoi ký được hiệp định thương mại tự do (FTA) với 28 nước thành viên EU. 

Mục chỉ dẫn địa lý về phía Việt Nam có 39 chỉ dẫn địa lý chủ yếu là bảo hộ cho các sản phẩm nông sản (38/39 chỉ dẫn địa lý). EVFTA quy định chỉ dẫn địa lý được bảo hộ ở mức cao tương đương với chỉ dẫn địa lý của rượu vang và rượu mạnh. Đây là bước tiến mới, vượt lên trên luật pháp, khi không chỉ các dấu hiệu mà các hình thức diễn giải phiên âm, dịch nghĩa của chỉ dẫn địa lý đó cũng thuộc phạm vi của sở hữu trí tuệ, như gọi "rượu sâm banh’" (Champagne) là vi phạm nội dung về chỉ dẫn địa lý.

Sở hữu trí tuệ đóng góp một phần vô cùng quan trọng trong giá trị vô hình của doanh nghiệp. Năm 1975, giá trị vô hình của doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 15% trong tổng tài sản, năm 2015, 87% tổng tài sản của doanh nghiệp Việt Nam là giá trị vô hình. Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn như Google, Microsoft có giá trị tài sản vô hình chiếm trên 90%. Do vậy việc nâng cao giá trị vô hình là cần thiết cho phát triển.

Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý thị trường về sở hữu trí tuệ, một phần do luật pháp chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, các điều chỉnh quy trình thực hiện chưa đi sâu vào những trường hợp cụ thể. Trong buổi hội nghị triển khai một số cam kết quan trọng về quyền sở hữu trí tuệ và những điều cần lưu ý mới đây, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng, Tổng cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương chia sẻ những khó khăn nan giải mà đội phải đối mặt trước tình trạng hàng giả trên thị trường.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng, Tổng cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương phát biểu tại hội nghị

Các nhãn hiệu trên thế giới tự giác phối hợp với cơ quan quản lý để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như Louis Vuitton của Pháp mới đây đã liên hệ với Cục quản lý thị trường Việt Nam để yêu cầu giúp đỡ trong việc quản lý sở hữu thương hiệu. Ngược lại, ở Việt Nam, hiện tượng vi phạm trong tiêu thụ các sản phẩm xâm phạm về sở hữu trí tuệ vẫn luôn trong tình trạng vô cùng “nhức nhối”. Từ năm 2017 – 2018 và 8 tháng đầu năm 2019, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện gần 35.000 vụ vi phạm về xâm phạm sở hữu trí tuệ trong đó nổi bật là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm, vật tư nông nghiệp, đồ điện tử, linh kiện, quần áo, giày dép…

Cũng theo ông Linh, đội quản lý thị trường đã nỗ lực giải quyết tình trạng hàng giả, hàng nhái, vi phạm bản quyền nghiêm trọng hiện nay, tuy nhiên tình trạng này vẫn tiếp diễn. Ông Linh chỉ ra các khó khăn tồn tại như: phương thức thủ đoạn của các đối tượng làm giả ngày càng tinh vi và có phân bổ chặt chẽ giữa các khâu sản xuất. Đối tượng vi phạm ngày càng gia tăng: đối tượng mua bán, tiếp tay phân phối các sản phẩm hàng nhái ngày càng đa dạng từ sinh viên, học sinh đến công nhân viên chức. Hiện nay, các trang thương mại điện tử phát triển càng gây khó khăn cho công tác kiểm tra và xử lý hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, chế tài xử lý vi phạm hành chính chưa đủ sức răn đe đến các bên sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng. Doanh nghiệp chủ quyền biết là nhãn hiệu của mình đang bị làm nhái nhưng ngại không thông báo với cơ quan chức năng vì sợ sẽ khiến khách hàng cảnh giác, mất đi doanh số tiêu thụ hiện tại.

Mức sống của người dân thấp nhưng tâm lý thích dùng hàng hiệu nên biết là hàng giả nhưng vẫn mua. Mặt khác, trình độ hiểu biết của người dân ở vùng nông thôn chưa cao nên đôi lúc không phân biệt được hàng giả, hàng nhái với hàng thật.

Nguồn lực, kinh phí, trang thiết bị cho các lực lượng quản lý thị trường chưa đáp ứng. Hơn 500 đội quản lý thị trường nhưng chỉ có 16 người chuyên xử lý về vi phạm sở hữu trí tuệ. Chính vì vậy, chất lượng và trình độ của nhân viên chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đứng trước những bất cập hiện tại, Bộ Công Thương đã đề ra những giải pháp cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân. Tuy nhiên, những giải pháp vẫn chưa được quan tâm và áp dụng đúng mức, do đó cần thiết phải tập trung vận động các nhóm chủ thể quyền và đại diện sở hữu trí tuệ cũng như các nhóm doanh nghiệp sử dụng sản phẩm được bảo hộ cùng phối hợp để thực hiện tốt các cam kết và những điều cần lưu ý trong EVFTA.
 

Thanh Bảo