Trong nước

Việt Nam tiếp tục là nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á

Thứ tư, 11/9/2019 | 09:00 GMT+7
Theo báo cáo Tỉ số hoạt động kinh doanh tại Việt Nam 2018 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ 69 trong 190 nền kinh tế dễ hoạt động kinh doanh.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, nguồn vốn đầu tư và các hiệp định thương mại tự do mới đã mang lại ảnh hưởng tích cực đến thị trường công nghiệp Việt Nam.

Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) được kỳ vọng sẽ hoàn tất vào cuối năm nay với mục tiêu thắt chặt hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, Việt Nam đang trở thành thị trường thu hút vốn đầu tư với đội ngũ lao động trẻ và chi phí thấp, môi trường chính trị ổn định, là một trong những nước có tỉ lệ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Theo báo cáo chuyên đề Bất động sản công nghiệp mới đây của Savills Whitepaper, trong 3 tháng đầu năm 2019, với tỉ lệ nhập khẩu lên đến 40,2%, Hoa Kỳ tiếp tục trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, bao gồm: các mặt hàng may mặc đạt 4,42 tỉ đô la Mỹ (tăng 9,1%/năm), giày dép đạt 2 tỉ đô la Mỹ (tăng 13,5%), máy móc thiết bị và phụ tùng đạt 1,3 tỉ đô la Mỹ (tăng 54%), gỗ và cao su đạt 1,42 tỉ đô la Mỹ (tăng 34,7%).

Trong nửa đầu năm 2019, chỉ số Tăng trưởng sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,1%/năm. Ngành sản xuất và chế biến tăng 11,2% đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước. Theo Tổng cục thống kê (GSO), các sản phẩm công nghiệp chính bao gồm khai thác sắt và thép thô (60%), dầu mỏ (58%), sơn (15%), thức ăn thuỷ sản (14%) và điện tử viễn thông (14%).

“Mặc dù tỉ lệ lấp đầy ở các tỉnh trọng điểm tăng trưởng mạnh theo năm, quỹ đất dồi dào và các dự án tiêu biểu gia tăng đã thúc đẩy sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường trong nước. Các nhà sản xuất đang gia tăng sự chú ý vào các tỉnh miền Trung trong khi các chủ đầu tư trong thị trường công nghiệp đang đẩy mạnh chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, tạo nguồn cung mới”, John Campbell, tư vấn cấp cao, phòng Dịch vụ công nghiệp của Savills Việt Nam cho biết.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, năm 2019, vốn đầu tư (FDI) vào ngành công nghiệp trong nửa đầu năm 2019 đang có sự phát triển mạnh mẽ, trong đó phân khúc sản xuất thu hút 605 dự án, chiếm 71,2% FDI với 13,15 tỉ đô la Mỹ tăng 39,8% theo năm. Hà Nội và TPHCM là hai thành phố thu hút đầu tư nhất, chiếm 26,3% và 16,7% tổng vốn FDI. Theo sau là Bình Dương chiếm 7,4% và Đồng Nai chiếm 6,7%. Nguồn vốn đầu tư từ Hồng Kông chiếm 28,7% với 5,3 tỉ đô la Mỹ, Hàn Quốc với 2,73 tỉ đô la Mỹ và Trung Quốc với 2,28 tỉ đô la Mỹ.

Trong 6 tháng đầu năm, khu công nghiệp (IPs) và vùng kinh tế (EZs) thu hút gần 340 dự án FDI với tổng nguồn vốn gần 8,7 tỉ đô la Mỹ

Cũng theo số liệu thống kê của Bộ kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 6/2019 có 326 khu công nghiệp (KCN) được thành lập với tổng diện tích 95.500 ha đất công nghiệp trong đó có 251 KCN đã hoạt động chiếm 60.900 ha (74% tỉ lệ lấp đầy) và 75 KCN đang xây dựng.

Trước thị trường công nghiệp đang thu hút sự chú ý, các chủ đầu tư khu công nghiệp đang tích cực chuyển đổi vùng nông nghiệp sang công nghiệp, đảm bảo nguồn cung mới. Các tỉnh miền Trung, Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi cũng nhận được rất nhiều yêu cầu do mức giá thuê đất ưu đãi và cạnh tranh. Ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế của Vinacapital quan ngại về nhân lực chủ yếu diễn ra ở các ngành công nghiệp giá trị thấp như dệt may và đồ nội thất. Do đó, ông nhận định Việt Nam chưa sử dụng hết nguồn tiềm năng lớn, chẳng hạn như: chỉ có 10% lao động làm việc trong phân khúc FDI và hơn 40% làm việc trong phân khúc nông nghiệp; phân khúc sản xuất chỉ đóng góp gần 20% vào GDP Việt Nam, trong khi các nền kinh tế “Asian Tiger” khác đạt mức 30% GDP.

Phân khúc bất động sản công nghiệp Việt Nam đang phát triển trên đà tăng của nguồn vốn FDI gấp 10 lần trong suốt thập kỷ qua. Việt Nam cần cẩn trọng lựa chọn các dự án sắp tới để tăng trưởng hơn trong giá trị chuỗi, tăng tính cạnh tranh và phát triển bền vững. Lao động giá rẻ và các ưu đãi đầu tư, đặc biệt là thuế ưu đãi sẽ tiếp tục trở thành những yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu vào Việt Nam. Tuy nhiên, để tiếp tục chuyển đổi sang ngành công nghiệp giá trị cao Việt Nam phải tập trung vào chất lượng hơn là số lượng đầu tư. 
 

Thanh Tâm