Văn hóa, du lịch

Những nhà thờ có màu sắc độc đáo tại Việt Nam

Thứ ba, 11/8/2020 | 11:11 GMT+7
Không chỉ là những công trình mang ý nghĩa tôn giáo, tâm linh riêng biệt mà các nhà thờ tại Việt Nam còn là những điểm đến không thể bỏ qua cho những du khách muốn khám phá vẻ đẹp độc đáo của đất nước hình chữ S.

Nhà thờ hồng Đà Nẵng

Đây là công trình được đông đảo du khách quốc tế ghé thăm khi có dịp đến với thành phố biển Đà Nẵng. Nhà thờ màu hồng ở Đà Nẵng còn được gọi là nhà thờ Con Gà, nhà thờ chính tòa Đà Nẵng hay Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Với nét kiến trúc Gothic đặc trưng của phương Tây, nhà thờ Con Gà mang vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc trong khoảng không nhộn nhịp của thành phố Đà Nẵng.

Nhà thờ có các vòm cửa hình quả trám, các khung kính mô tả các sự kiện tiêu biểu trong Kinh Thánh. Trên nóc công trình có biểu tượng con gà màu xám làm bằng hợp kim nhẹ rỗng bên trong được tráng phủ một lớp hoá chất đặc biệt. Theo giải thích của Cha xứ, con gà trên nóc nhà thờ là biểu tượng gắn liền với chuyện Thánh Phê-rô ghi trong Phúc âm nhắc nhở sự sám hối, thức tỉnh.

Màu hồng pastel của nhà thờ Con Gà nhạt hơn so với độ nổi bật của nhà thờ Tân Định (Sài Gòn), bên trong cũng không được sơn hồng nhưng nơi này vẫn mang nét đẹp riêng, nhẹ nhàng, mộng mơ, thu hút đông đảo du khách ghé thăm. Vào mùa hè, những cây phượng xung quanh đều nở rộ, tạo nên dấu ấn đặc sắc riêng cho nhà thờ.

Nhà thờ tím Xuân Yến, Nghệ An

Qua gần 1 thập kỷ, kiến trúc của nhà thờ Xuân Yến vẫn được giữ nguyên vẹn, nhưng màu sơn trắng - tím  mới đây đã giúp công trình trở nên nổi bật lộng lẫy hơn.

Ngọn tháp cao nhất vươn lên đầy kiêu hãnh, thiết kế mái vòm đối diện với những ô cửa sổ theo lối cổ xưa khiến nhiều người liên tưởng đến lâu đài cổ ở châu Âu xa xôi.

Trước đây nhà thờ Xuân Yến có màu xám nhưng sau quá trình sửa chữa đã khoác lên màu tím hiện đại, tươi mới, hòa hợp và ấn tượng, nhưng không làm lu mờ đi những đường nét kiến trúc cổ kính vốn có. Không phải ngẫu nhiên mà giáo họ Xuân Yến lựa chọn tông màu tím cho thánh đường. Theo họ, bên cạnh sự độc đáo, tinh tế, màu tím còn thể hiện nhiều ý nghĩa quan trọng trong Thiên chúa giáo.

Nhà thờ Gỗ nâu, Kon Tum

Nhà thờ Chánh tòa Kon Tum (Nhà thờ Gỗ) nay đã gần 100 tuổi nhưng vẫn giữ được nguyên nét đẹp hài hoà giữa lối kiến trúc người Roman và nhà sàn của người Bana. Kiểu kiến trúc này thể hiện sự giao thoa giữa văn hóa Tây Nguyên và văn hóa châu Âu.

Nhà thờ gỗ Kon Tum do một linh mục người Pháp khởi công xây dựng năm 1913, hoàn thành năm 1918, tọa lạc giữa trung tâm thành phố. Công trình được những bàn tay tài hoa của nghệ nhân Bình Định, Quảng Nam xây theo phương pháp thủ công. Gần một thế kỷ qua, thánh đường vẫn chưa có dấu hiệu của sự xuống cấp và đang trở thành điểm thăm quan du lịch nổi tiếng của Việt Nam.

Bên trong nhà thờ, hệ thống cột gỗ, rui mè tuy không chạm khắc tỉ mỉ nhưng lại thể hiện được chất đôn hậu, khoẻ mạnh của người Tây Nguyên. Nhà thờ còn có cô nhi viện, cơ sở thủ công mỹ nghệ như dệt thổ cẩm, may thêu... tạo cơ hội việc làm cho nhiều em nhỏ, người dân nơi đây.

Nhà thờ xám đen Hưng Nghĩa, Nam Định

Tồn tại hàng trăm năm với thời thời gian, giáo xứ Hưng Nghĩa mang vẻ đẹp của một tòa lâu đài cổ tích thường xuất hiện trong các tác phẩm điện ảnh Âu Mỹ. Nhìn từ bên ngoài, nhà thờ toát lên vẻ sừng sững, sang trọng, nhưng không kém phần ma mị với những chi tiết tinh xảo, tỉ mỉ, và lớp áo xám đen trầm lắng.

Do ảnh hưởng của thời gian và thời tiết khắc nghiệt, công trình đã được trùng tu lại, và hiện thu hút đông đảo du khách thập phương với diện mạo mới của mình.

Dù đã qua tu sửa nhưng nét cổ kính, thiêng liêng của nhà thờ Hưng Nghĩa vẫn được giữ lại nguyên vẹn. Có lẽ chính gam màu trầm tối đặc trưng kết hợp cùng lối thiết kế kín kẽ, nhiều chi tiết cầu kì, tinh xảo đậm chất Gothic đã làm cho công trình tôn giáo này được mệnh danh là “lâu đài băng giá”. 

Nhà thờ xanh dương Bảo Lộc, Lâm Đồng

Nhà thờ Bảo Lộc (Nhà thờ Bánh chưng bánh giầy) là nhà thờ có sức chứa lớn nhất ở Việt Nam, với khả năng chứa khoảng 3.000 – 4.000 giáo dân và là nhà thờ có thiết kế giống hình bánh chưng bánh giầy duy nhất ở Việt Nam. Đây là một trong những Nhà thờ Công giáo có công trình kiến trúc độc đáo, thu hút nhiều du khách tham quan tại Việt Nam.

Tuy mang dáng dấp kiến trúc Tây Phương, nhưng nhà thờ lại có những nét dân tộc độc đáo. Phía ngoài hình vuông tượng trưng cho đất. Phía trong hình tròn tượng trưng cho trời, được chống đỡ bởi 12 cây cột biểu hiệu cho 12 tông đồ của Giáo hội Công giáo.

Đặc biệt, theo kiến trúc sư thiết kế công trình, kết cấu vuông – tròn còn thể hiện cho chiếc bánh chưng và chiếc bánh giầy, gợi cho giáo dân và du khách nghĩ đến truyền thống văn hóa và lịch sử Việt Nam qua sự tích “Bánh chưng bánh giầy” thời các vua Hùng dựng nước.

Huyền Dung (T/h)