Văn hóa, du lịch

Tết Nguyên đán trong tâm thức Việt

Thứ bảy, 10/2/2024 | 10:51 GMT+7
Tết Nguyên đán là sự kiện văn hóa lớn nhất trong năm, diễn ra vào mùa xuân, thời điểm kết thúc một chu kỳ bốn mùa xuân - hạ - thu - đông để bước vào một chu kỳ mới, một khởi đầu mới.

Tết là khởi đầu của một năm, một tháng, một mùa, một chu kỳ sản xuất nông nghiệp mới; cũng là lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất của người Việt trong năm vì vậy ai cũng dành những điều tốt đẹp nhất cho Tết.

Tết Âm lịch được gọi là "tiết Nguyên đán", "thời kỳ rạng đông bắt đầu" - là ngày bắt đầu của năm, của tháng và của mùa, vì vậy, đó là buổi sáng thiêng liêng nhất. Nó báo trước những sự kiện tốt lành của mặt trăng sẽ xảy ra sau đó. Trong tiếng Việt, Tết hay tiết là dịp hội hè, cũng là dịp lễ vui vẻ. Hai chữ "Nguyên đán" là một danh từ chữ Hán, "nguyên" nghĩa là đầu; "đán" nghĩa là buổi sớm; "Nguyên đán" là buổi sớm đầu năm…

Trong những ngày Tết, Nguyên đán là ngày Tết đầu năm nên gọi là Tết Cả, cùng với các Tết khác, ở các đình, chùa, đền, miếu đều cúng lễ linh đình, ở các nhà thờ họ, nhà riêng đều có làm cỗ bàn cúng lễ và hội họp vui vẻ.

Ảnh minh họa

Chính vì mang tính chất sự khởi đầu của một giai đoạn gieo trồng mới, một tháng mới, mùa mới, năm mới nên Tết có ý nghĩa rất lớn trong đời sống của người Việt. Với mỗi người Việt, Tết là dịp tụ họp, đoàn viên gia đình. Mọi người ai nấy đều cố hoàn thành công việc, giải quyết công nợ xong hết trước Tết, để có thể đón một năm mới thanh thản, an yên.

Sáng mồng 1 là buổi sáng linh thiêng nhất, là điềm báo trước các sự kiện tốt lành của các tháng Âm lịch tiếp theo. Tất cả các cử chỉ ta làm trong những giờ khắc đầu tiên này đều được coi là khuôn thước phản ánh hoạt động trong cả năm đó.

Xã hội hiện đại, đã có rất nhiều thay đổi, kể cả trong cách đón Tết cũng như những thực hành trong dịp Tết. Thế nhưng, có một điều không bao giờ thay đổi, đó là tâm lý hướng về những giá trị truyền thống của người Việt trong dịp Tết, dù ở thế hệ nào, độ tuổi nào. Không phải ngẫu nhiên mà mỗi dịp Tết đến, người ta thường hướng tới sự đoàn tụ, sum vầy. Người làm ăn, người đi học xa, dù bận bịu, nhiều việc thế nào cũng đều cố gắng về nhà vào dịp Tết.

Hàng năm, Tết được tổ chức vào ngày mồng 1 tháng Giêng Âm lịch trên cả nước ta và ở một vài nước khác có cộng đồng người Việt sinh sống. Trong những ngày Tết, các gia đình sum họp bên nhau, cùng thăm hỏi người thân, dành những lời chúc mừng tốt đẹp, mừng tuổi và thờ cúng tổ tiên.

Tùy theo mỗi vùng miền hoặc theo quan niệm về tín ngưỡng, tôn giáo và phong tục tập quán khác nhau, Tết cổ truyền ở từng địa phương cũng có những nét khác nhau. Loài hoa đặc trưng mà người miền Bắc và miền Trung chơi Tết là hoa đào, còn người miền Nam lại chuộng hoa mai. Mâm ngũ quả cũng là một món đồ trang trí không thể thiếu của người Việt….

Xét về tổng thể, phong tục của ngày Tết được chia làm 3 khoảng thời gian: tất niên, giao thừa và tân niên. Mỗi khoảng thời gian ứng với những hoạt động như: tiễn ông Táo về trời; gói bánh chưng, bánh tét; chưng hoa ngày tết (đào, mai, quất…), mâm ngũ quả; thăm viếng mộ tổ tiên, mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu; cúng giao thừa; xông đất; chúc Tết và mừng tuổi ông bà, cha mẹ, họ hàng, bạn bè; xuất hành đầu năm; đi lễ chùa đầu năm; hái lộc đầu xuân… Những phong tục đó đều mong cầu cho một năm mới tốt lành, may mắn, thành công và sức khỏe.

Bên cạnh đó, người Việt xưa còn ăn Tết, vui xuân bằng các hoạt động vui tươi, lành mạnh như: hội đánh vật, ném còn, chơi đu, bơi thuyền, chọi trâu, đua ngựa và các trò chơi dân gian khác… thể hiện tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, gắn bó cộng đồng; hình thành, vun đắp, giữ gìn văn hóa làng xã từ đời này qua đời khác. Trong thời gian này, người Việt còn đi du xuân, thăm viếng danh lam thắng cảnh, lễ đền, lễ chùa để tâm hồn lâng lâng thanh thản và được tiếp thêm sinh khí của mùa xuân.

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc giữ gìn, trân quý những giá trị tốt đẹp của ngày Tết cổ truyền sẽ góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho mọi người Việt Nam càng thêm yêu quê hương, đất nước, càng gắn bó mật thiết với gia đình, cộng đồng, sống có trách nhiệm hơn với quá khứ, hiện tại và tương lai. 

Trong phiên họp cuối cùng của năm 2023, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết lần đầu tiên công nhận Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ hàng năm của Liên Hợp Quốc. Đây là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với văn hóa cổ truyền Á Đông, là kết quả của quá trình phối hợp vận động tại Liên Hợp Quốc, trong đó Việt Nam là 1 trong 12 nước tham gia tích cực thúc đẩy.

Thanh Tâm (T/H)