Quy hoạch, xây dựng

ĐBSCL đầu tư 86.000 tỷ đồng để triển khai 27 dự án giao thông

Thứ hai, 22/8/2022 | 07:23 GMT+7
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch vốn ngân sách trung ương đầu tư cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là 86.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 22% so với cả nước để triển khai 27 dự án giao thông.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, kế hoạch vốn ngân sách trung ương đầu tư cho hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL lên đến 86.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 14% so với cả nước, tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 5 năm trước, riêng nguồn vốn bố trí để đầu tư cho đường cao tốc lên tới 42.647 tỷ đồng, chiếm 20% tổng mức đầu tư đường cao tốc trên phạm vi cả nước. nhằm triển khai 27 dự án bao gồm: 

Tiếp tục triển khai 13 dự án đang thực hiện sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025 là: tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, xây dựng tuyến tránh TP Cà Mau, TP Long Xuyên, TP Cao Lãnh, nâng cấp một số tuyến quốc lộ 57, quốc lộ 61B, dự án luồng cho tàu biển lớn vào sông Hậu giai đoạn 2, dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2…

Kế hoạch vốn ngân sách trung ương đầu tư cho ĐBSCL là 86.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 22% so với cả nước giai đoạn 2021 - 2025

Khởi công 14 dự án gồm: dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, cao tốc Chơn Thành - Đức Hòa nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, tuyến Nam Sông Hậu, dự án phát triển hành lang vận tải thủy và logistics khu vực phía Nam, dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy… Các dự án này sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025. Riêng các dự án quan trọng quốc gia, dự án cầu lớn sẽ cơ bản hoàn thành trong năm 2026.

Bên cạnh đó Bộ GTVT cũng đề xuất Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương quản lý trên địa bàn để phát huy tinh thần chủ động, huy động được tối đa nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. "Trong khi nguồn lực về con người từ Bộ còn hạn chế thì hệ thống chính trị các địa phương có đầy đủ các phòng ban chuyên môn nên việc phân cấp, phân quyền cho địa phương thực hiện một số công việc thuộc thẩm quyền, chuyên môn của mình là điều cần thiết để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án về đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông", Bộ trưởng GTVT đề xuất.

Cũng theo Bộ GTVT, trong giai đoạn 2026 - 2030, dự kiến sẽ tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến cao tốc còn lại theo Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị và quy hoạch được duyệt gồm: cầu Cần Thơ 2, đoạn Rạch Giá - Bạc Liêu thuộc tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, tuyến Hồng Ngự - Trà Vinh (không bao gồm đoạn An Hữu - Cao Lãnh). Về đường thủy, nâng cấp các tuyến kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền, tuyến Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau, tuyến sông Hàm Luông, tiếp tục kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa các cảng thủy nội địa theo quy hoạch được duyệt. Về hàng hải, kêu gọi đầu tư các cảng biển trong khu vực, đầu tư khu bến cảng đầu mối, cửa ngõ của vùng tại khu vực cửa Trần Đề. Về hàng không, tiếp tục đầu tư nâng cấp các cảng hàng không trong vùng. Về đường sắt, đầu tư xây dựng tuyến đường sắt kết nối TPHCM với Cần Thơ.

Hạ Quyên (t/h)