Quốc tế

IEA: Cần hành động ngay lập tức để đạt được không phát thải ròng

Thứ tư, 19/5/2021 | 11:18 GMT+7
Báo cáo về phát thải ròng bằng 0 đầu tiên của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhấn mạnh rằng, các kịch bản không phát thải ròng cần tập trung vào hành động ngay lập tức chứ không phải các mục tiêu năm 2050.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đặt mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ trái đất dưới 1,5 độ C để tránh những tác động tàn phá nhất của quá trình biến đổi khí hậu. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi thế giới phải đưa mức phát thải ròng khí gây hiệu ứng nhà kính xuống bằng 0 vào năm 2050.

Ngày 18/5, IEA công bố bản báo cáo nghiên cứu toàn điện đầu tiên trên thế giới đưa ra quá trình chuyển đổi sang hệ thống năng lượng phát thải ròng 0 hiệu quả về chi phí trong khi vẫn đảm bảo cung cấp năng lượng ổn định cùng giá cả phải chăng, cung cấp khả năng tiếp cận năng lượng toàn cầu và cho phép tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. 

Trong báo cáo này, IEA cho biết: Lộ trình của chúng tôi cho thấy các hành động ưu tiên cần thiết hiện nay để đảm bảo cơ hội phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 – hạn hẹp nhưng vẫn có thể đạt được và không hề thua thiệt. Theo lộ trình của chúng tôi, đến năm 2035 sẽ không có thêm các khoản đầu tư vào các dự án khai thác nhiên liệu hóa thạch cũng như các nhà máy nhiệt điện than mới và xe ô tô sử dụng động cơ đốt trong sẽ không còn được bán ra thị trường. Đến năm 2050, nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ nhỏ hơn 8% so với hiện nay nhưng phục vụ một nền kinh tế lớn gấp đôi và dân số thêm 2 tỷ người. Và gần 90% sản lượng điện đến từ các nguồn tái tạo.

Tổng đầu tư năng lượng hàng năm tăng lên 5 nghìn tỷ USD vào năm 2030 theo lộ trình của chúng tôi, sẽ có thêm hàng triệu việc làm với ngành năng lượng sạch và đưa GDP toàn cầu vào năm 2030 cao hơn 4% so với mức đạt được dựa trên các xu hướng hiện tại”.

Trong kịch bản không phát thải ròng, năng lượng tái tạo có sự phát triển mạnh mẽ

Joyce Lee, Trưởng ban Chính sách và dự án tại Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cho biết: Báo cáo này là một hồi chuông cảnh tỉnh cho chính phủ các nước trên toàn thế giới rằng, họ không thể hành động chậm chạp và lẩn quẩn nữa mà cần phải nghiêm túc trong triển khai năng lượng tái tạo. Để đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, quy mô tăng cường năng lượng gió cần thiết thực sự là rất lớn. Mỗi năm đến năm 2030, chúng ta cần tạo ra 390 GW gió. Hiện chúng ta chỉ mới lắp đặt 90 GW hàng năm và ở nhiều quốc gia, năng lượng tái tạo vẫn còn bị ngáng đường phát triển.

“Để vượt qua thách thức này, chính phủ các nước phải có hành động khẩn trương và có trọng tâm. Chúng ta không nên bị phân tâm với các công nghệ mới nổi như CCUS (thu giữ, sử dụng, lưu trữ và tái chế carbon) khi mà thực tế không thể phủ nhận rằng phần lớn lượng phát thải giảm được sẽ đến từ việc thay thế các nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng gió và mặt trời. Những ngành này đến nay đã trưởng thành, có giá cả phải chăng và dễ dàng triển khai trên toàn thế giới. Chúng tôi hoan nghênh lời kêu gọi của IEA về tránh đầu tư mới vào các mỏ dầu khí và mỏ than. Nhưng các mục tiêu đặt ra trong báo cáo này sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu chính phủ các nước không hành động để mở rộng quy mô năng lượng gió trên toàn thế giới”, đại diện GWEC nhấn mạnh.

Mạnh Phúc