Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, chính quyền các cấp về vị trí, vai trò của người cao tuổi; nhận thức, khát vọng của cán bộ, hội viên, người cao tuổi về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với việc người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm trong giai đoạn phát triển mới.
Phát huy tiềm năng, vai trò, kinh nghiệm của người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu, khả năng đóng góp quan trọng của người cao tuổi thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Tạo điều kiện để người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm; nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần; tiếp tục nêu gương sáng, giáo dục thế hệ trẻ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng đã phê duyệt Đề án Người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm. (Ảnh minh họa)
Mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2025 – 2030, phấn đấu 90% cán bộ, hội viên, người cao tuổi được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm; phấn đấu 50% người cao tuổi thành thạo các kỹ năng số cơ bản bao gồm: dịch vụ công trực tuyến; mua sắm trực tuyến; thanh toán trực tuyến, tự bảo vệ mình trên không gian mạng và sử dụng các nền tảng số khác tùy theo đặc thù của địa phương.
Trồng ít nhất 100 triệu cây xanh, mỗi tỉnh có ít nhất 5 mô hình của người cao tuổi về thu gom, phân loại rác thải tại nguồn, 3 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn.
Ít nhất 1.260 người cao tuổi được hỗ trợ khởi nghiệp, 500 mô hình người cao tuổi khởi nghiệp; ít nhất 100.000 người có việc làm thông qua các mô hình người cao tuổi khởi nghiệp.
Đến 2035, phấn đấu 100% cán bộ, hội viên, người cao tuổi được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm; phấn đấu 70% người cao tuổi thành thạo các kỹ năng số cơ bản gồm: dịch vụ công trực tuyến; mua sắm trực tuyến; thanh toán trực tuyến, tự bảo vệ mình trên không gian mạng và sử dụng các nền tảng số khác tùy theo đặc thù của địa phương…
Để hoàn thành các mục tiêu trên, Đề án đã đưa ra các giải pháp gồm: truyền thông nâng cao nhận thức của người cao tuổi về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm; vai trò, vị thế đóng góp của người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm vì sự phát triển bền vững của đất nước; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ triển khai Đề án và cán bộ, hội viên, người cao tuổi về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm.
Bên cạnh đó, xây dựng thí điểm mô hình về người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm; nghiên cứu khoa học và đề xuất chính sách hỗ trợ người cao tuổi; đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện; theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện Đề án; tăng cường hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực hỗ trợ thực hiện có hiệu quả các hoạt động của Đề án.