Cụ thể, báo cáo chỉ ra rằng, khoảng 50% các quốc gia trên toàn cầu có một hoặc nhiều loại hệ sinh thái liên quan đến nước ngọt - sông, hồ, đất ngập nước hoặc tầng chứa nước ngầm đang trong tình trạng suy thoái. Các vùng nước bị suy thoái là những vùng nước bị ô nhiễm hoặc có mực nước thấp. Trong khi đó, khôi phục và bảo vệ hệ sinh thái nước ngọt là một nội dung quan trọng của Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal, thỏa thuận trên toàn hành tinh nhằm ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học. Khung này bao gồm 23 mục tiêu được thiết lập để bảo vệ thế giới tự nhiên và sẽ đến hạn vào năm 2030.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/11/2/sinh-thai-nuoc-ngot-20241103010626673.jpg)
Bảo vệ hệ sinh thái nước ngọt có thể giúp các quốc gia đạt được mục tiêu đa dạng sinh học
Bà Sinikinesh Beyene Jimma, bộ phận Biển và Nước ngọt tại UNEP cho biết, sông là một trong những hệ sinh thái nước ngọt đa dạng nhất trên hành tinh. Do tầm quan trọng của sông ngòi và các hệ sinh thái nước ngọt khác đối với an ninh lương thực, xây dựng khả năng phục hồi đa dạng sinh học của thế giới nên việc sử dụng, quản lý bền vững chúng là rất quan trọng để đảm bảo duy trì các dịch vụ hệ sinh thái thiết yếu, đáp ứng cam kết của Khung đa dạng sinh học toàn cầu.
Theo đại diện bộ phận Biển và Nước ngọt của UNEP, khi đại diện từ 196 quốc gia thảo luận về việc thực hiện Khung đa dạng sinh học toàn cầu tại Hội nghị lần thứ 16 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về đa dạng sinh học (COP16) tại Cali, Colombia, ngày càng có nhiều sự công nhận về giá trị và nhu cầu sử dụng nước ngọt trong chính sách quốc gia, địa phương cũng như các quyết định tài chính.
Sau đây là 5 giải pháp các quốc gia có thể sử dụng nước ngọt để đạt được các mục tiêu đa dạng sinh học, phát triển bền vững toàn cầu. Các giải pháp dựa vào thiên nhiên liên quan đến nước (NbS), chẳng hạn như mái nhà "xanh" phủ đầy cây, có thể giúp quản lý nước mưa, giảm lũ lụt đô thị và cải thiện chất lượng nước, thường có chi phí thấp hơn so với cơ sở hạ tầng xám, như đường ống. Giải pháp này cũng mang lại lợi ích cho con người và đa dạng sinh học.
Với sự hỗ trợ của dự án Thành phố phục hồi thế hệ của UNEP, các thành phố đang áp dụng giải pháp dựa vào thiên nhiên để phục hồi các tuyến đường thủy đô thị. Ví dụ, thành phố Barranquilla, Colombia đang khôi phục lại dòng suối Leon bị ô nhiễm, chảy qua trung tâm thành phố, với sự giúp đỡ của cộng đồng sống dọc bờ sông. Trong khi đó, Sirajganj ở Bangladesh đang tạo ra một hành lang xanh để tăng cường đa dạng sinh học xung quanh con sông của thành phố.
Hiện nay, 122 triệu người trên khắp thế giới đang phụ thuộc vào nguồn nước mặt chưa qua xử lý và có khả năng không an toàn. Đến năm 2030, 4,8 tỷ người có thể phải đối mặt với rủi ro về sức khỏe và sinh kế nếu việc giám sát chất lượng nước ngọt không được cải thiện. Do đó, việc giám sát chất lượng nước hiệu quả là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe con người và thực hiện các mục tiêu đa dạng sinh học tập trung vào nước trên toàn cầu.
Có một số nguồn lực có thể giúp các quốc gia quản lý hồ, sông và tầng chứa nước của họ. Ví dụ, Freshwater Explorer và Global Wetlands Watch của UNEP theo dõi tình trạng của các hệ sinh thái nước ngọt trên toàn thế giới. Các công cụ này nhấn mạnh nhu cầu quản lý nước để bảo vệ các hệ sinh thái nước ngọt. Ngoài ra, Chương trình hỗ trợ quản lý tài nguyên nước tích hợp của UNEP cũng hướng dẫn các chính phủ việc quản lý nước tốt hơn và đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra.
Việc quản lý phối hợp các hệ sinh thái nước ngọt, bao gồm thông qua quy trình quản lý tài nguyên nước tích hợp, có thể xây dựng khả năng phục hồi trước các thảm họa liên quan đến khí hậu như hạn hán. Hơn 90% các thảm họa tự nhiên đều liên quan đến nước theo một cách nào đó. Các chuyên gia cho biết, việc áp dụng quản lý tài nguyên nước tích hợp là rất quan trọng để giảm tần suất và quy mô của những thảm họa này.