Theo đó, TPHCM tập trung hoàn thành các mục tiêu đã đề ra tại nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025. Tiếp tục triển khai các giải pháp cụ thể cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh theo hướng giảm chi phí tuân thủ, bảo đảm an toàn và phù hợp với thông lệ quốc tế; thực hiện phân cấp, phân quyền; thúc đẩy tinh thần kinh doanh; khuyến khích đổi mới, sáng tạo; đồng thời củng cố niềm tin, tạo điểm tựa cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Đồng thời, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2025 tăng ít nhất 10% so với năm 2024; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2025 tăng dưới 10% so với năm 2024.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công: tỷ lệ cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử đạt 100%, tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa đạt 55%, tỷ lệ xử lý phản ánh, kiến nghị đúng hạn đạt 100%, mức độ hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp đạt trên 96%.

TPHCM triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. (Ảnh minh họa)
Để thực hiện các mục tiêu trên, TPHCM tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, kịp thời của các sở, ban, ngành theo dõi triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn thành phố năm 2025.
Thành phố tiếp tục nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; xây dựng và triển khai kế hoạch cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cam kết cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược.
TPHCM cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tích cực kết nối với các tổ chức tài chính, các tập đoàn lớn để mở rộng hợp tác đầu tư. Rà soát công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch đảm bảo, hiệu quả nhằm thu hút, quảng bá tiềm năng của thành phố.
Cùng với đó, thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp và kế hoạch này để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025.
Trong đó, chú trọng thực hiện các nhóm giải pháp trọng tâm như: tháo gỡ bất cập về pháp lý và thực thi trong thực hiện dự án đầu tư. Nâng cao chất lượng danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Tháo gỡ các điểm nghẽn, xây dựng giải pháp đột phá về thể chế, cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút, chuyển giao, làm chủ công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến. Đổi mới công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia. Cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính.
Công bố, công khai kịp thời các thủ tục hành chính, bao gồm các thủ tục hành chính nội bộ. Tăng trách nhiệm giải trình, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh. Rà soát, giảm số lượng các hoạt động thanh tra doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục tham gia những chương trình tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTAs).