Trong nước

CPTPP tiếp đà cho thương mại điện tử phát triển

Thứ năm, 28/11/2019 | 11:23 GMT+7
Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo Ngành Phân phối – Thương mại điện tử - Logistics Việt Nam, để cùng trao đổi với các chuyên gia về những tác động của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đến những lĩnh vực này.

Trong buổi thảo luận, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI – cho biết, trong vài năm trở lại đây, Việt Nam luôn nằm trong top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2018 cao gấp đôi so với tổng doanh thu năm 2011.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang có sự phát triển rõ rệt, việc ký kết thành công CPTPP đã gây ảnh hưởng nhất định đến thị trường bán lẻ trong nước. Bà Loan nhận định, hiệp định được ký kết lần này có nhiều điều, khoản phức tạp, khiến cả những chuyên gia đầu ngành đôi lúc cũng phải gặp khó khăn. Chính vì vậy, một số ít doanh nghiệp đã bỏ qua, thậm chí lo lắng khi nhắc đến hiệp định này. Tuy nhiên, bà cũng khẳng định rằng phần lớn các doanh nghiệp đều rất tự tin và sẵn sàng mở rộng hợp tác khi đã hiểu rõ về các cam kết trong CPTPP.

Các chuyên gia trao đổi trong Hội thảo Ngành Phân phối – Thương mại điện tử - Logistics Việt Nam

Theo công bố của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, quy mô thị trường trong năm 2018 của thương mại điện tử đạt 7,8 tỉ USD (tăng 30% so với 2017 và tăng gấp đôi so với năm 2015). Dự kiến năm 2020 quy mô thị trường sẽ đạt trên 10 tỷ USD.

Thực tế, bán lẻ trực tuyến chỉ chiếm 1/3 (khoảng 2,8 – 3 tỉ USD) tỉ trọng của thương mại điện tử. Năm 2016 đến 2019 là giai đoạn có tốc độ bán lẻ trực tuyến tăng trưởng mạnh. Cụ thể, trong năm 2016 du lịch trực tuyến có tỉ trọng cao hơn bán lẻ trực tuyến, nhưng đã ngang bằng trong năm nay và ước tính đến năm 2025 thì bán lẻ trực tuyến sẽ gấp 1,5 – 2 lần du lịch trực tuyến. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho lĩnh vực thương mại điện tử nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Đặc biệt, việc ký kết thành công hiệp định CPTPP còn tạo thuận lợi hơn nữa cho vận chuyển trong thương mại điện tử. Cam kết về chuyển phát trong WTO đã rất rộng mở cho Việt Nam với 100% vốn đầu tư nước ngoài, thực chất các doanh nghiệp chuyển phát của nước ngoài ở Việt Nam hầu như không gặp trở ngại nào.

Nguồn cung hàng hóa cho ngành phân phối sẽ có cơ hội tăng trưởng nhờ các cam kết về thuế quan trong thương mại hàng hóa

Bên cạnh đó, các cam kết CPTPP còn tạo cơ hội cho thị trường Việt Nam mở rộng quy mô, xuất phát từ tăng trưởng GDP và cải thiện thu nhập của người dân. Theo Ngân hàng Thế giới, dự kiến đến 2030, CPTPP sẽ nâng GDP Việt Nam thêm 1,1 – 3,5%, giúp tăng kim ngạch xuất khẩu thêm 4,2 – 6,9% và tăng nhập khẩu thêm 5,3 – 7,6%.

Các cam kết của CPTPP về thương mại điện tử còn tạo ra khung pháp lý an toàn, ổn định, có thể dự đoán trước và làm tiền đề vững chắc cho cho các hoạt động mua sắm trực tuyến xuyên biên giới. Ngoài ra, các cam kết này cũng tạo cơ hội cải thiện các dịch vụ hạ tầng cho thương mại điện tử, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ phương thức thương mại này.

Có thể nói, CPTPP hầu như không tạo ra thách thức hay khó khăn nào cho thương mại điện tử ở Việt Nam, các cam kết chỉ tạo ra khung pháp lý rõ ràng để môi trường thương mại điện tử được ổn định và thuận lợi hơn. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải năng động đổi mới phương thức kinh doanh toàn diện, ứng dụng công nghệ tối ưu, nhất là trong thời điểm hiện tại đa số chủ thể tham gia kinh doanh đều là các cá nhân, hộ gia đình chưa hiểu rõ về luật thương mại.
 

Huyền Dung