Trong nước

Sản phẩm đội lốt hàng Việt Nam xuất hiện cả trong và ngoài nước

Thứ hai, 11/11/2019 | 23:16 GMT+7
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận đã có hiện tượng mua sản phẩm hàng hóa nước ngoài rồi dán mác Việt Nam, lắp ráp tại Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước. Bộ trưởng khẳng định, đây là hành vi xâm phạm lợi ích của người tiêu dùng, cũng như vi phạm Luật Tiêu chuẩn chất lượng đo lường, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hàng giả xuất hiện tràn lan ở thị trường trong nước

Thị trường trong nước hiện đang thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, dựa vào đó, các doanh nghiệp đã lợi dụng niềm tin của người tiêu dùng để làm giả thương hiệu, làm giả về xuất xứ hòng trục lợi. 

Trong phiên chất vấn chiều 6/11, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận đã có hiện tượng mua sản phẩm hàng hóa nước ngoài rồi dán mác Việt Nam, lắp ráp tại Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước. Bộ trưởng khẳng định, đây là hành vi xâm phạm lợi ích của người tiêu dùng, cũng như vi phạm Luật Tiêu chuẩn chất lượng đo lường, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc Hội

Theo Bộ trưởng, đây thực sự là hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, làm hàng giả, hàng nhái; cần thiết phải tổ chức đấu tranh kiên quyết chống lại những hiện tượng này.

“Chúng tôi cũng nói luôn là không phải chúng tôi không quyết tâm hay không mong muốn làm việc này với sự quyết liệt thực sự của mình. Đây là vấn đề phức tạp”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Theo kế hoạch, cuối năm nay, Bộ Công thương sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành có liên quan, trong đó có Bộ Tư pháp để rà soát lại tính chất pháp lý cũng như cơ sở, phạm vi điều chỉnh và hiệu quả của Dự thảo thông tư điều chỉnh vấn đề này, đảm bảo một khi văn bản pháp quy này được ban hành, sẽ có hiệu lực hiệu quả và đi vào cuộc sống.

Hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam gia tăng số lượng xuất khẩu

Dư luận đang cho rằng, hiện có nhiều doanh nghiệp Việt Nam có vốn đầu tư, liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, các nước đang bị Mỹ, châu Âu trừng phạt thương mại. Các đối tác này sẽ tranh thủ một số ưu đãi về thuế quan trong xuất khẩu của Việt Nam để trà trộn, đưa sản phẩm của mình sang các thị trường khác. Điều này dẫn đến hệ luỵ là Việt Nam trở thành nạn nhân bị các nước điều tra áp thuế Chống phá giá và áp thuế Tự vệ, gây thiệt hại trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính.

Cụ thể, thời gian gần đây, Cục Hải quan TP HCM đã phát hiện và thu giữ gần 8.500 sản phẩm quần áo; 317 kiện hàng (khoảng 7,2 tấn) chăn, nệm, gối cao su; hơn 10 container xe đạp… toàn bộ các lô hàng này đều có xuất xứ Trung Quốc nhưng tem mác lại ghi sẵn “made in Vietnam”. Theo quy định, những mặt hàng này đều phải chịu thuế 20 – 25% nhưng nếu khai báo C/O mẫu E (Chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ Trung Quốc) thì sẽ được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi hoặc miễn thuế.

Bà Phương Thị Thanh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cho rằng tình trạng gian lận kinh doanh này đã được cảnh báo từ lâu nhưng vẫn chậm được phát hiện và xử lý. Bà Thanh đặt câu hỏi: nguyên nhân tại sao vẫn còn tiếp diễn sự việc trên và trách nhiệm của Bộ trưởng trong quản lý nhà nước ở lĩnh vực này?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay: “Ngay từ những năm 2016 - 2017, Bộ Công thương và Chính phủ đã nhận thức rõ những thách thức và những nguy cơ này”. Thực tế gần đây như vụ việc xuất khẩu nhôm của một doanh nghiệp đầu tư tại Bà Rịa – Vũng Tàu đã sử dụng nguyên liệu là nhôm đùn và các loại nhôm thành phẩm khác để tạo ra nhôm định hình mới, rồi coi đó là sản xuất sản phẩm mới có xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi. Sự việc này đã được phát hiện và báo cáo ngay với Quốc hội, đồng thời Bộ Công thương cũng đã báo cáo Chính phủ và tổ chức những đoàn đi kiểm tra thực tế các hoạt động của doanh nghiệp này và đã có những báo cáo cụ thể.

Bên cạnh đưa ra thực trạng, đại diện Bộ Công thương còn cho biết, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo cụ thể và giao cho Tổng cục Hải quan tiếp tục giám sát chặt chẽ, không cho phép lợi dụng xuất xứ của Việt Nam để thực hiện gian lận thương mại trong hoạt động thương mại quốc tế.

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Quyết định 824, phê duyệt Đề án về phòng vệ thương mại, với 5 nhóm nhiệm vụ chính, tập trung vào công tác đấu tranh có hiệu quả trong các hoạt động gian lận xuất xứ Việt Nam cũng như truyền tải đầu tư bất hợp pháp.

Ngăn chặn gian lận trong xuất – nhập khẩu gỗ dán

“Mặt khác, chúng tôi cũng đang tiếp tục phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng tổ chức khuyến nghị cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cảnh báo về những nguy cơ bị trừng phạt thương mại cũng như bị áp thuế trong các mặt hàng khác. Có rất nhiều sản phẩm của các nước khác bị áp thuế của Mỹ, của châu Âu và nhiều nước phải chịu cả thuế Chống bán phá giá, Chống trợ cấp, do đó, họ tìm cách lợi dụng những sản phẩm có nhãn mác Việt Nam. Chính vì vậy, việc cảnh báo, cung cấp thông tin kịp thời cho Hiệp hội ngành hàng là rất cần thiết”, Bộ trưởng nói.

Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng cũng nhìn nhận trách nhiệm của mình trong thời gian qua là chưa quán xuyến và chưa bảo đảm hết được những yêu cầu trong đấu tranh kiểm soát, loại bỏ các mặt hàng gian lận, hàng giả và hàng kém chất lượng này.

Đồng thời, ông cho rằng tất cả các lực lượng chức năng trong hệ thống chính trị phải có trách nhiệm đấu tranh với buôn lậu, gian lận thương mại, thậm chí cần thiết loại bỏ cả những thói quen trong tiêu dùng của người dân bởi những tập quán này cũng đã tạo điều kiện tiếp tay cho gian lận thương mại.

“Rất nhiều lần chúng ta cũng thấy là không chỉ có hàng thuốc giả, hàng mỹ phẩm giả, mà đơn giản là quần áo, rồi các đồ trang sức và những đồ tiêu dùng khác, hàng giả được bày bán công khai với sự tiếp tay của rất nhiều lực lượng chức năng tại địa phương.

Chúng tôi cũng cam kết trong thời gian tới, lực lượng chức năng quản lý thị trường sẽ tiếp tục làm tốt và làm tốt hơn nữa trách nhiệm của mình, đồng thời chủ động phối hợp với các địa phương, cũng như với các lực lượng chức năng phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại để nắm bắt và kiểm soát tốt vấn đề”, Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.

Thanh Tâm