Kinh tế xanh

Chủ động hướng đến nền kinh tế sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 17/9/2021 | 10:45 GMT+7
Việt Nam là quốc gia có cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc ban hành nhiều định hướng chiến lược. Trong đó có Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030 đã và đang được triển khai.

Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 được ban hành tại Quyết định số 889/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình nhằm hoàn thiện chính sách về sản xuất và tiêu dùng bền vững; thúc đẩy xanh hóa hệ thống phân phối và phát triển chuỗi cung ứng quốc gia bao gồm sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường, ưu tiên các sản phẩm do doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất, cung ứng; thúc đẩy phát triển công nghiệp môi trường, công nghiệp tái chế chất thải.

Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 là khung pháp lý đầu tiên của Việt Nam tiếp cận tổng thể và toàn diện các nội dung và nhiệm vụ về sản xuất và tiêu dùng bền vững, cụ thể hóa mục tiêu phát triển bền vững số 12 của Liên Hợp Quốc, với những ưu tiên cụ thể cho Việt Nam.

Về cơ bản, các nhiệm vụ chính của Chương trình đã được tích cực thực hiện, bước đầu đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, 5/10 mục tiêu của Chương trình đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành gồm: tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn; ứng dụng thí điểm và dần dần mở rộng đổi mới sinh thái cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; áp dụng chứng nhận phân phối xanh; phát triển thành công và dần dần mở rộng chuỗi cung ứng bền vững cho các sản phẩm chính trong nền kinh tế.

Cung cấp thông tin, hướng dẫn và hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý và tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu về môi trường, phát triển bền vững của các nước nhập khẩu cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Người tiêu dùng và cộng đồng được cung cấp thông tin đầy đủ về các sản phẩm thân thiện với môi trường, hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững, tỷ lệ phế liệu nhựa, giấy, dầu thải sẽ được tái chế và tỷ lệ chất thải rắn công nghiệp thông thường được thu hồi để tái chế, tái sử dụng.

Đẩy mạnh các sản phẩm thân thiện với môi trường, hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững

Bên cạnh kết quả đạt được, một số mục tiêu của Chương trình đang được gấp rút thực hiện và bước đầu có hiệu quả như: 50% chất thải rắn xây dựng trong khu vực đô thị được thu hồi để tái chế và tái sử dụng; 85% chất thải rắn đô thị được tái sử dụng, tái chế, thu hồi để lấy năng lượng hoặc làm phân hữu cơ; hoàn thành khung pháp lý và hướng dẫn về mua sắm xanh; tăng tỷ lệ phần trăm của các sản phẩm bền vững trong mua sắm công và cải thiện khung pháp lý và hướng dẫn về việc thực hiện mua sắm công bền vững...

Được biết, mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững đang được áp dụng rất thành công ở nhiều nước phát triển trên thế giới và đem lại kết quả đáng mong đợi. Nhu cầu, lĩnh vực ưu tiên và phương thức để đạt được sản xuất và tiêu dùng bền vững hoặc phát triển bền vững ở mỗi nước sẽ khác nhau, nhưng đều tập trung vào 9 nội dung của sản xuất và tiêu dùng bền vững:

Quản lý tài nguyên bền vững: khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên là nội dung trọng tâm của nhiều nhiều quốc gia xác định trong chính sách về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Thiết kế có tính bền vững: thiết kế sản phẩm bền vững giúp các nhà sản xuất nâng cao tỷ suất lợi nhuận, chất lượng, cơ hội thị trường, hiệu quả môi trường và lợi ích xã hội.

Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn: một số quốc gia ở châu Á đã thành lập trung tâm sản xuất sạch hơn quốc gia, chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ chính phủ triển khai chiến lược sản xuất sạch hơn, thông qua các các hoạt động đào tạo về sản xuất sạch hơn cho các các công ty, ngành công nghiệp… thực hiện tiết kiệm năng lượng và giảm ô nhiễm.

Nhãn sinh thái và chứng nhận: nhãn sinh thái là một công cụ quan trọng giúp người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn và tạo động lực thúc đẩy nhà sản xuất phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Đưa nhãn sinh thái vào hệ thống phân phối tiêu dùng

Mua sắm bền vững: mua sắm bền vững được coi là công cụ chính để thúc đẩy nền kinh tế xanh. Tỷ lệ mua sắm công chiếm một phần đáng kể trong tổng mức tiêu thụ nội địa. Mua sắm bền vững kích thích nhu cầu về các sản phẩm xanh hơn và tạo ra một chu kỳ sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Tiếp thị bền vững: tiếp thị bền vững giúp cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về hàng hóa bền vững thông qua các chương trình chia sẻ thông tin và truyền thông mở.

Giao thông bền vững: đối với lĩnh vực vận chuyển, tập trung các nỗ lực để cải thiện cơ sở hạ tầng công cộng và đầu tư giao thông công cộng. Đối với hoạt động phân phối, trọng tâm hướng sang vận tải carbon thấp và khuyến khích hợp tác giữa các nhà phân phối để nâng cao hiệu quả sử dụng.

Lối sống bền vững: tập trung vào các chính sách nhiều hơn là nâng cao nhận thức và nâng cao kiến thức của mọi người (nhãn sinh thái, chiến dịch truyền thông), hỗ trợ người dân trong việc đưa ra các lựa chọn mua sắm bền vững dễ dàng hơn bằng việc cung cấp cơ sở hạ tầng để đảm bảo cung cấp của hàng hóa và dịch vụ.

Quản lý chất thải: quản lý chất thải trong suốt vòng đời sản phẩm theo cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn.

Tiếp thu những kinh nghiệm trên, hiện Việt Nam đang triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn như một công cụ thiết thực giúp chuyển đổi kinh tế truyền thống sang sản xuất, tiêu dùng bền vững. Các nhiệm vụ chính của sản xuất và tiêu dùng bền vững tại Việt Nam được dựa trên sự nhất trí cao của Chính phủ.

Tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu ở Việt Nam cho thấy sự cấp thiết cần chuyển đổi sang sản xuất tiêu dùng bền vững, để kinh tế bền vững lâu dài. Là một nền kinh tế mới nổi, Việt Nam cần tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp để tạo điều kiện đổi mới sinh thái cho quá trình cạnh tranh toàn cầu và kết hợp sản xuất tiêu dùng bền vững vào các biện pháp thương mại xuất nhập khẩu. Đồng thời, cần tập trung hơn nữa vào các mục tiêu tiêu dùng bền vững ở dân cư đô thị và rộng hơn là tất cả các chủ thể trong xã hội.

Thanh Tâm (t/h)