Đối tượng quy hoạch là đất lâm nghiệp (rừng, đất chưa có rừng được quy hoạch để phát triển rừng), các công trình kết cấu hạ tầng lâm nghiệp như: hệ thống vườn ươm, đường vận chuyển lâm sản, công trình phục vụ bảo vệ rừng (trạm bảo vệ rừng, chòi canh, đường băng cản lửa).
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/10/10/cong-bo-quy-hoach-20241010100704562.jpg)
Hội nghị công bố quyết định phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia tầm nhìn đến năm 2050
Quy hoạch được phê duyệt nhằm mục tiêu xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế, kỹ thuật trên cơ sở thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp; bảo đảm sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của tổ chức, cá nhân trong hoạt động lâm nghiệp, huy động các nguồn lực xã hội; phát huy tối đa tiềm năng, vai trò và giá trị của rừng để phát triển bền vững; đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cụ thể, thông qua quy hoạch, ngành nông nghiệp bảo đảm duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định từ 42 - 43%, chú trọng nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên hiện có. Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 5 - 5,5%/năm. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025 và 25 tỷ USD vào năm 2030. Đến năm 2025, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất trên một đơn vị diện tích tăng lên 1,5 lần, đến năm 2030 tăng 2 lần so với năm 2020. Thu dịch vụ môi trường rừng tăng bình quân 5%/năm. Giai đoạn 2021 – 2025 thu khoảng 3.500 tỷ đồng/năm, giai đoạn 2026 – 2030 thu khoảng 4.000 tỷ đồng/năm.
Quy hoạch bao gồm 7 nhóm giải pháp và 9 lĩnh vực nhà nước ưu tiên hỗ trợ đầu tư trong phát triển nền lâm nghiệp quốc gia là chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong sản xuất lâm nghiệp; xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng sản xuất; hệ thống kết cấu hạ tầng trong trồng rừng sản xuất; sản xuất giống cây rừng chất lượng cao; các mô hình hợp tác, liên kết trong bảo vệ, phát triển rừng tại những vùng đặc biệt khó khăn; hoạt động bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên tại vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ phát triển cộng đồng phát triển sinh kế và cải thiện đời sống người dân vùng đệm của các khu rừng đặc dụng; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực; xúc tiến đầu tư, phát triển thị trường...
Phát biểu tại lễ công bố quy hoạch, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo nhấn mạnh, việc ban hành Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã góp phần triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, Luật Lâm nghiệp và cụ thể hóa Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Sự kiện lần này là cơ hội để các ban, Bộ, ngành, cơ quan từ Trung ương tới địa phương tập trung thảo luận và đưa ra giải pháp nhằm bảo đảm thực hiện có hiệu quả Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia trong thời gian tới.