02_Tintuc_NewsDetail -3Col

Đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp điện gió

Thứ hai, 3/7/2017 | 17:19 GMT+7
Là một lĩnh vực mới nên việc đào tạo nhân lực có vai trò quan trọng trong lộ trình phát triển điện gió ở Việt Nam. Trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ mở rộng quy mô điện gió tại Việt Nam, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức nhiều khóa đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho các bên liên quan.

Chương trình đào tạo của GIZ cung cấp khóa học cho tất cả các đối tượng liên quan đến lĩnh vực điện gió gồm: các ngân hàng, tổ chức tài chính, Sở Công Thương – đơn vị phê duyệt dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài Nguyên và Môi trường, các doanh nghiệp, EVN, tổng công ty phát điện trực thuộc EVN, đơn vị đào tạo nhân lực: các trường đại học (sinh viên, nghiên cứu sinh, giảng viên)...

Ông Nguyễn Bá Hải, cán bộ phụ trách đào tạo của GIZ cho biết, trong khoảng thời gian từ 2016 đến nay, GIZ đã tổ chức khoảng 25 khóa đào tạo miễn phí. Mỗi lớp có khoảng 30 học viên. Các khóa học được triển khai ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước: Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ, Trà Vinh.

“Trước khi khóa học diễn ra, GIZ có một báo cáo về nhu cầu cần được đào tạo từ đối tượng học viên. Dựa trên báo cáo đó, chúng tôi lên kế hoạch chi tiết cho khóa đào tạo. Trong suốt quá trình thực hiện khóa đào tạo, chúng tôi lại liên tục nhận phản hồi từ học viên để bổ sung thêm vào kế hoạch. Nhu cầu về số lượng khóa đào tạo cũng tăng lên rất nhiều”, ông Hải nói.

Ông Hải lấy ví dụ, mới đây, GIZ tổ chức 1 khóa học cho các sinh viên, nghiên cứu sinh của các trường đại học kỹ thuật tại TPHCM. Ban đầu, dự kiến chỉ tổ chức 1 khóa cho 20 người nhưng do nhu cầu thực tế tăng cao, dự án phải tổ chức khóa đầu tiên cho 40 người và mở thêm 1 khóa nữa. Để không ảnh hưởng đến lịch học tập và làm việc của sinh viên, giảng viên, thậm chí, các chuyên gia phải giảng dạy vào buổi tối và ngày cuối tuần.

Mới đây, GIZ có đợt làm việc cùng các trường đại học với nhiệm vụ “train the trainer” tức là giảng dạy cho giảng viên các trường đại học để từ đó họ đào tạo cho sinh viên về điện gió. “Đây là bước đầu tiên để thúc đẩy các trường đại học mở khoa, ngành liên quan đến lĩnh vực điện gió. GIZ có một tham vọng là kêu gọi sự hỗ trợ của các doanh nghiệp thành lập một trung tâm đào tạo về điện gió ở Việt Nam”, ông Hải chia sẻ.

Tham gia khóa đào tạo của GIZ, chị Nguyễn Đỗ Phương Quyên, Công ty TNHH Năng lượng gió Việt Nam (WPV) bày tỏ: “Đây là một khóa học rất hữu ích cho công việc của chúng tôi. Khóa học đấu thầu và ký hợp đồng dự án điện gió đã giúp tôi hình dung được cách thức huy động vốn cho các dự án. Thông qua khóa học, chúng tôi đã biết được trình tự huy động vốn của dự án điện gió như thế nào; các giai đoạn huy động vốn; xây dựng dự án để huy động vốn…”.

Anh Trần Quang Nhật (Tập đoàn Phú Cường) khẳng định, khóa học rất hay và bổ ích. Thông qua khóa học, anh hiểu sâu hơn về công việc “bếp núc” chuẩn bị cho một dự án điện gió. Tuy nhiên, anh cho rằng, chuyên gia cần tập trung vào các ví dụ cụ thể thay vì trình bày tổng thể.

Chia sẻ về kế hoạch đào tạo sắp tới, ông Nguyễn Bá Hải cho biết, trung tuần tháng 6, GIZ tổ chức buổi đào tạo cho 22 Sở Công Thương từ các địa phương có tiềm năng về điện gió. GIZ sẽ mời các công ty tư vấn của Việt Nam, những doanh nghiệp đã tham gia vào lĩnh vực điện gió, các Sở Công Thương từng phê duyệt dự án điện gió tham gia lớp đào tạo chia sẻ các bài tham luận cùng với các chuyên gia quốc tế. GIZ hi vọng, các Sở Công Thương chưa từng phê duyệt dự án điện gió có hiểu biết tốt hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực này.

Hương - Phương