Chính sách cho năng lượng xanh đang dần hoàn thiện
Phát biểu tại diễn đàn “Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương nhấn mạnh vai trò của điện mặt trời áp mái trong khu công nghiệp.
Việt Nam hiện có hơn 380 khu công nghiệp và khoảng 700 cụm công nghiệp đang hoạt động. Đây là những "điểm nóng" tiêu thụ điện năng, đồng thời cũng là nơi có tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà rất lớn. Theo ông Trung, chỉ riêng tiềm năng kỹ thuật đã có thể đạt tới 12 – 20 GWp, tương đương công suất hơn 10 nhà máy nhiệt điện than. Không cần mở rộng quỹ đất hay xây mới hạ tầng, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tận dụng chính mái nhà xưởng hiện hữu để lắp đặt hệ thống điện mặt trời, một giải pháp phù hợp với mô hình năng lượng phân tán mà Chính phủ đang khuyến khích.

Diễn đàn “Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả”
Từ thực tế triển khai, điện mặt trời mái nhà mang lại nhiều lợi ích rõ rệt: giúp doanh nghiệp giảm chi phí điện năng, nâng cao giá trị thương hiệu gắn với yếu tố xanh, đồng thời góp phần giảm tải hệ thống điện quốc gia vào các khung giờ cao điểm. Mô hình này còn hỗ trợ đảm bảo an ninh năng lượng, đóng góp tích cực vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và là lời giải dung hòa giữa tăng trưởng GDP nhanh và phát triển bền vững.
Theo ông Nguyễn Ngọc Trung, Việt Nam đã và đang xây dựng một hệ thống chính sách ngày càng hoàn thiện để hiện thực hóa mục tiêu kép: vừa đảm bảo đủ năng lượng phục vụ sản xuất vừa chuyển dịch theo hướng phát triển bền vững. Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị (năm 2020), Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2045 (ban hành tháng 3/2024) và Quy hoạch điện VIII cùng các cập nhật trong năm 2025 là những cột mốc quan trọng, thể hiện quyết tâm chuyển đổi hệ thống năng lượng theo hướng xanh, sạch và hiện đại.
Đặc biệt, theo điều chỉnh mới nhất của Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu 50% tòa nhà công sở và hộ gia đình có hệ thống điện mặt trời mái nhà tự cung, tự cấp. Trong khi đó, tỷ trọng điện tái tạo trong tổng công suất hệ thống điện dự kiến đạt 25 – 30% vào năm 2030 và tiếp tục tăng lên mức 74 – 75% vào năm 2050, một mục tiêu đầy tham vọng nhưng khả thi nếu có sự đồng hành từ cả khu vực công và tư.
Hai nghị định mới được Chính phủ ban hành cũng góp phần hiện thực hóa các mục tiêu này. Nghị định 57/2025/NĐ-CP cho phép thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa các nhà phát điện tái tạo và khách hàng lớn, giúp các doanh nghiệp trong khu công nghiệp có thêm kênh tiếp cận điện xanh mà không cần thông qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Bên cạnh đó, Nghị định 58/2025/NĐ-CP mang đến các ưu đãi mạnh mẽ cho dự án năng lượng tái tạo như hỗ trợ lưu trữ, miễn giảm tiền thuê đất và khuyến khích chuyển giao công nghệ.
Ông Nguyễn Ngọc Trung cũng chỉ ra những rào cản đang làm chậm tiến trình triển khai điện mặt trời mái nhà tại khu công nghiệp như hành lang pháp lý chưa thực sự đồng bộ, khiến doanh nghiệp lúng túng khi đăng ký đấu nối và vận hành. Chi phí đầu tư ban đầu vẫn là gánh nặng lớn, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hạ tầng kỹ thuật của nhiều khu công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu tiếp nhận điện phân tán, trong khi thiết bị đo đếm hai chiều vẫn thiếu. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu nhận thức và kinh nghiệm vận hành hệ thống năng lượng tái tạo.
"Chìa khóa" để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, thị trường quốc tế, đặc biệt là Mỹ và châu Âu liên tục nâng cao các tiêu chuẩn xanh đối với hàng hóa nhập khẩu như kể từ ngày 1/1/2026, cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM) sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu những sản phẩm có lượng phát thải cao như thép, nhôm, xi măng… sang EU sẽ phải mua “chứng chỉ CBAM” tương ứng với lượng khí thải của sản phẩm.
Đứng trước những rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe, việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh không còn là lựa chọn mà đã trở thành điều kiện bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn tiếp tục hiện diện ở các thị trường lớn. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn về chuỗi cung ứng bền vững, minh bạch hóa quy trình sản xuất và chứng minh trách nhiệm môi trường trở thành yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Việc hỗ trợ doanh nghiệp triển khai năng lượng xanh không chỉ giúp cải thiện hiệu quả kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh xuất khẩu mà còn là “chìa khóa” để Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững
Việc hỗ trợ doanh nghiệp triển khai năng lượng xanh không chỉ giúp cải thiện hiệu quả kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh xuất khẩu mà còn là “chìa khóa” để Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững. Trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đặt ra ở mức trên 8% và kỳ vọng tăng trưởng hai con số từ 2026, nhu cầu năng lượng sẽ tiếp tục tăng cao. Nếu không có chiến lược chuyển đổi phù hợp, chi phí điện sẽ trở thành gánh nặng lớn, kéo lùi năng lực sản xuất của khu vực công nghiệp.
Nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng xanh trong khu công nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng cần có các giải pháp đồng bộ. Đặc biệt, cần sớm có quy định, hướng dẫn rõ ràng về mô hình điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu trong khu công nghiệp (như định mức công suất được bán dư lên lưới, hợp đồng mua bán điện nội bộ giữa doanh nghiệp trong khu công nghiệp, thủ tục đấu nối đơn giản hơn...). Khung pháp lý ổn định, minh bạch sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư dài hạn vào lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Ngọc Trung đề xuất cần sớm hoàn thiện hướng dẫn cụ thể cho các nghị định mới, nhất là về mô hình tự sản xuất, tự tiêu thụ trong khu công nghiệp. Bên cạnh đó, cần có các chính sách hỗ trợ tài chính và ưu đãi đầu tư như miễn giảm thuế, tín dụng xanh, khấu hao nhanh. Mô hình ESCO là bên thứ ba đầu tư hệ thống và cho doanh nghiệp thuê lại cũng nên được thúc đẩy.
Ở góc độ hạ tầng, các chủ đầu tư khu công nghiệp cần phối hợp với ngành điện để nâng cấp lưới điện, lắp đặt thiết bị đo đếm thông minh, tạo điều kiện cho điện mặt trời hòa lưới hoặc vận hành độc lập. Ngoài ra, công tác đào tạo, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho đội ngũ kỹ thuật vận hành cũng rất cần được chú trọng. Ông Trung cũng nhấn mạnh vai trò của hợp tác công – tư và quốc tế để huy động nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi và đầu tư tư nhân, từ đó triển khai các dự án điện mặt trời một cách bài bản, quy mô và bền vững.