Quy hoạch, xây dựng

Kêu gọi phát triển công nghiệp sản xuất điện, năng lượng tái tạo tại Quảng Bình

Thứ năm, 13/4/2023 | 17:13 GMT+7
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, một trong bốn trụ cột phát triển kinh tế của Quảng Bình là phát triển công nghiệp là trọng điểm, trong đó chú trọng, khuyến khích kêu gọi phát triển công nghiệp sản xuất điện, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 377/QĐ-TTg ngày 12/4/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi ranh giới quy hoạch tỉnh Quảng Bình bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền tỉnh Quảng Bình và phần không gian biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; xây dựng Quảng Bình trở thành nền kinh tế năng động ở khu vực miền Trung, với trọng tâm là ngành dịch vụ và du lịch nổi bật; công nghiệp sạch, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững.

Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái. Đến năm 2030 phấn đấu đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung.

Xây dựng Quảng Bình trở thành nền kinh tế năng động ở khu vực miền Trung

Quyết định nêu rõ các ưu tiên phát triển của tỉnh Quảng Bình gồm:

Hai trung tâm động lực tăng trưởng: khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp khu vực Đông Nam Á; khu kinh tế Hòn La trở thành khu kinh tế động lực góp phần cho tăng trưởng kinh tế.

Ba trung tâm đô thị: trung tâm đô thị thành phố Đồng Hới và vùng phụ cận, trong đó thành phố Đồng Hới là hạt nhân và các đô thị vệ tinh, đô thị cửa ngõ kết nối thành phố Đồng Hới gồm: đô thị Quán Hàu, Hoàn Lão (bao gồm không gian mở rộng), Việt Trung, Dinh Mười; trung tâm đô thị phía Bắc với hạt nhân là thị xã Ba Đồn gắn với huyện lỵ của huyện Quảng Trạch, khu kinh tế Hòn La, Tiến Hóa; trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là thị trấn Kiến Giang (tương lai là thị xã), đô thị vệ tinh gồm: Lệ Ninh và Áng Sơn.

Ba hành lang kinh tế: hành lang kinh tế đồng bằng ven biển cùng với quốc lộ 1A, đường ven biển; hành lang kinh tế Đông - Tây dọc quốc lộ 12 nối cửa khẩu quốc tế Cha Lo - thị xã Ba Đồn - cảng biển Hòn La; hành lang kinh tế trung du và miền núi gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Bốn trụ cột phát triển kinh tế là:

Tập trung đầu tư để phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định được thương hiệu du lịch “Quảng Bình” trên bản đồ du lịch quốc tế; coi đây là khâu đột phá để tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Phát triển công nghiệp là trọng điểm, trong đó chú trọng, khuyến khích kêu gọi phát triển công nghiệp sản xuất điện, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị gia tăng cao, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, coi đây là bệ đỡ nền kinh tế của tỉnh.

Phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Quảng Bình sẽ chú trọng phát triển công nghiệp sạch, năng lượng tái tạo

Về các đột phá phát triển của tỉnh, Quảng Bình sẽ tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trong đó ưu tiên những lĩnh vực, dự án quan trọng tạo sự đột phá và có sức lan tỏa lớn: hệ thống giao thông bảo đảm kết nối thông suốt (tập trung hoàn thành đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông trước năm 2025); hạ tầng du lịch; hạ tầng thiết yếu, quan trọng trong khu công nghiệp, khu kinh tế; hạ tầng công nghệ thông tin để hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, chính quyền số; các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề trọng điểm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong một số lĩnh vực then chốt như du lịch, công nghiệp.

Đổi mới hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách đảm bảo cho huy động, phát huy hiệu quả các nguồn lực, tháo bỏ các rào cản, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường vai trò kiến tạo của các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực chuyển đổi số nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thu hút nhân tài.

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu các ngành công nghiệp mới, du lịch giá trị cao. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài; đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Liên kết giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp.

Nhã Quyên