02_Tintuc_NewsDetail -3Col

Lại đề xuất quy hoạch lấn vịnh Nha Trang

Thứ ba, 18/4/2017 | 23:08 GMT+7
UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức buổi họp lấy ý kiến về đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) khu vực phía Đông đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng TP Nha   Trang do Viện   Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia là đơn vị tư vấn. Tuy nhiên, ngay khi “lộ” thông tin, các nhà khoa học, người dân Khánh Hòa tỏ ra không đồng tình vì cho rằng nếu như vậy thì bờ biển Nha Trang sẽ thành của riêng doanh nghiệp, người dân sẽ mất dần không gian công cộng. Ngoài ra, về mặt pháp luật, vịnh Nha Trang là danh lam thắng cảnh quốc gia, cho nên bất cứ hành vi xâm lấn nào cũng phạm luật. 

Phối cảnh 3 khu sẽ lấn biển của đồ án quy hoạch 1/2000 vừa được trình bày

 

Xây nhà cao tầng, tổ hợp khách sạn, đổ cát lấn ra biển

Theo Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia, yêu cầu chung của UBND tỉnh Khánh Hòa đối với đồ án quy hoạch lần này là phát huy thế mạnh của Nha Trang, phát huy tính cộng đồng, liền mạch của dải bờ biển; tăng cường kết nối với các tài nguyên lân cận. Theo trình bày của đơn vị tư vấn, khu vực phía Đông đường Trần Phú sẽ lấn biển ở nhiều điểm.

Trong đồ án quy hoạch được trình bày, đáng chú ý là đơn vị tư vấn đề xuất cho xây một loạt cao ốc trên biển, xây các công trình trên cao, đổ cát lấn ra biển… Cụ thể, phía Nam cầu Trần Phú hiện đã có Tổ hợp khách sạn Mường Thanh Khánh Hòa (43 tầng), dự án khu đô thị Tân Lập (nằm phía Tây đường Trần Phú), do đó sẽ mở thêm khu đô thị kéo dài ra phía Đông đường Trần Phú. Khu đô thị này lấn biển tạo thành hình cánh cung, với tính chất công trình nhỏ, đan xen nhau.

Đoạn bờ biển đối diện khu hành chính UBND tỉnh Khánh Hòa hiện nay sẽ mở rộng bãi cát ra phía biển để trồng dừa, tạo ốc đảo, cầu gỗ cho hoạt động vui chơi công cộng tạo thành công viên lớn, có thể xen kẽ một số công trình dịch vụ. Đoạn từ đường Lê Lợi đến Quảng trường 2.4, phía Đông dành cho bãi tắm sẽ để nguyên cây cối phục vụ sinh hoạt tắm biển. Phía Tây làm đường đi bộ trên cao, kết nối với các khách sạn mở tạo lối đi ra bãi biển.

Còn khu vực Quảng trường 2.4 mở rộng đến đường Hùng Vương, tháp Trầm Hương nối với Khu ngầm Bốn Mùa thành vườn bia ngoài trời, đồng thời mở một cánh tay vươn ra biển làm điểm nhấn. Riêng khu nghỉ dưỡng Ana Mandara, đồ án đề nghị lấn biển tạo tổ hợp trung tâm đô thị mới có hầm để xe, khu dịch vụ chăm sóc sắc đẹp... Còn khu sân bay Nha Trang cũ, đối diện sân bóng Thanh Niên cũng sẽ lấn biển làm công viên vườn tròn với điểm nhấn là tháp cao tầng, có sân khấu lớn trên nước.

Chưa hết, tại khu vực biển đường Phạm Văn Đồng đề nghị tạo công viên trong đô thị. Khu vực biển này làm các tháp cao tầng đâm ra biển. Biển ở Hòn Núi Một (phường Vĩnh Hòa) cần kết nối tạo công viên lan ra biển. Khu đô thị ven biển Vĩnh Hòa đang có nhiều dự án lấn biển như Royal Marina, bến du thuyền… Đồ án cũng đề nghị lấn biển tạo thành trung tâm đô thị mới cho Bắc Nha Trang.

Nhiều điểm bất hợp lý

Ngay khi đồ án “lộ” ra, nhiều chuyên gia, người dân không đồng tình, thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng liệu Khánh Hòa có “cố đấm ăn xôi” khi đồ án lấn biển trước đó đã bị phản đối quyết liệt, nhưng vẫn cố tình hiện thực hóa bằng đồ án lần này? KTS Nguyễn Văn Lộc, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa cho rằng, khu vực phía Đông đường Phạm Văn Đồng có thể tạo bãi tắm, tuy nhiên ông không đồng tình ở một số điểm lấn biển. “Hai đầu cầu Trần Phú cần có độ thoáng cửa sông Cái. Nếu làm khu đô thị sẽ mất hình ảnh của thiên nhiên vốn đang có nơi đây. Quy hoạch gì thì quy hoạch, nhưng cái nền thiên nhiên phải giữ cho được. Tại sao cứ phải nhà cao tầng cạnh bãi biển, tại sao phải có công trình nhô ra biển? Nếu cho rằng làm đẹp, thu hút du khách thì cần phải chứng minh. Đó là chưa kể ngay nơi đây đang hiện hữu một công trình mang tầm lịch sử là Di tích Tháp Bà Ponagar hàng nghìn năm tồn tại”, KTS Lộc nói.

Còn KTS Nguyễn Ngọc Đà cũng cho rằng ở cửa sông Cái hiện tại đã có nhiều công trình tồn tại (tổ hợp khách sạn 43 tầng Mường Thanh), vậy không nên mở đô thị ở hai bên. “Nếu làm công trình ở đây khác gì đóng cửa sông, một công trình đã rất nhức mắt rồi, nay làm thêm không biết sẽ như thế nào. Ngoài ra, trong đồ án lần này, diện tích nhà cao tầng tăng lên, công viên giảm và lấn biển quá nhiều, những cái đó cần phải nghiên cứu lại”, KTS Đà nói.

Theo KTS Nguyễn Văn Lộc, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng biển Nha Trang còn có điểm yếu như dải bờ biển quá hẹp, biển quá sâu… và các bên đều muốn nâng cấp bờ biển Nha Trang để khắc phục điểm yếu. Về mặt khoa học thì việc lấn biển làm được. Giải pháp đưa ra là những cánh tay đòn nhô ra biển để giữ cát. “Tuy nhiên, điều đáng nói là trên các bãi nhô ra biển, họ (chủ đồ án-PV) kèm theo công trình khai thác kinh doanh, dịch vụ. Ý tưởng giao lưu giữa biển và đất liền là tốt nhưng không phải làm như thế. Nếu đưa ra cái hiện đại, lạ lẫm thì không phù hợp ở bãi biển này”, KTS Lộc nói thêm.

Chủ tịch tỉnh kêu gọi ủng hộ đồ án lấn biển

Tại cuộc họp trên, sau khi nghe các ý kiến, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, biển Nha Trang còn có điểm yếu như dải bờ biển quá hẹp, biển sâu, thiếu tiện ích, chưa sinh động, hoạt động cộng đồng và kết nối đô thị và bờ biển còn hạn chế. Các giải pháp mà Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia đưa ra có nhiều ý tưởng hay. Phần kết nối trên cao mang tính hiện đại, len lỏi vào đô thị tầm nhìn 20 năm nữa chứ không phải giai đoạn hiện nay. “Tôi đồng ý mở rộng, vươn ra biển. Nhưng vươn ra là để kết nối cộng đồng phía sau. Khu vực phía biển Bắc Hòn Chồng nên nghiên cứu để mở rộng bờ biển vì khu vực này là san hô chết. Đồ án này rất hay, chúng ta không nên đi trên lối mòn. Hiện đồ án còn những băn khoăn cũng là điều bình thường và có lý vì đây là ý tưởng mới, táo bạo. Tôi cho rằng việc vươn ra biển bằng doi cát, bằng công nghệ là điều cần thiết… Tôi mong rằng các đồng chí đều ủng hộ ý tưởng này. Chúng ta phải đả thông tư tưởng của người dân, để đến trước năm 2020, bờ biển Nha Trang sẽ được mở rộng”, ông Vinh nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Văn Hóa chiều qua 16.4, ông Huỳnh Ngọc Bông, Chánh văn phòng, Người phát ngôn của UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đây mới chỉ là đồ án tạm thời, và đang được các cấp xem xét, bổ sung, sau đó tổ chức lấy ý kiến rộng rãi rồi mới đi đến chính thức. “Mọi việc liên quan đến quy hoạch Nha Trang nói chung, bờ biển Nha Trang nói riêng đều phải được xem xét cụ thể và đúng luật trước khi đi vào thực tế”, ông Bông nói.

 

Nguồn: Báo Văn Hóa