Quốc tế

Mỹ đang tìm kiếm hàng tỷ USD cho tín dụng carbon để hỗ trợ các nước đang phát triển

Thứ ba, 8/11/2022 | 14:22 GMT+7
Tại COP27, Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry dự kiến đề xuất chương trình tín dụng carbon mới nhằm giúp các nước đang phát triển cắt giảm nhiên liệu hóa thạch.

Tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27), Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry dự kiến đề xuất một chương trình tín dụng carbon mới, nhằm tăng cường tài trợ từ các doanh nghiệp và chính phủ ở các nền kinh tế giàu có để giúp các nước đang phát triển cắt giảm nhiên liệu hóa thạch. 

Đặc phái viên Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry

Ông Kerry cho rằng, không có chính phủ nào trên thế giới có đủ tiền để thực hiện quá trình chuyển đổi nên khu vực tư nhân cần góp sức với một cơ cấu phù hợp. Chương trình nhằm mục đích huy động hàng chục tỷ USD bằng cách thúc đẩy khả năng bán tín dụng của các khu vực và các nước đang phát triển bất cứ khi nào họ đóng cửa các nguồn năng lượng hóa thạch như mỏ than hoặc thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Chương trình cho phép tiền đổ vào các nỗ lực giảm phát thải ở tất cả các nước đang phát triển; giải quyết một trong những điểm yếu của hệ thống hiện tại là cấp các khoản tín dụng để xây dựng các dự án năng lượng tái tạo riêng lẻ nhưng không đảm bảo có mức giảm phát thải ròng ở một khu vực rộng lớn hơn. Các quốc gia giàu có hơn cho đến nay đã không thực hiện được cam kết cung cấp 100 tỷ USD tài trợ mỗi năm.

Các đại biểu từ hơn 190 quốc gia sẽ phải chật vật tìm cách để giảm lượng khí thải carbon đã đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Paris năm 2015. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga, những quốc gia có vai trò then chốt trong việc định hình bản đồ năng lượng toàn cầu không tham gia hội nghị.

Các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc đã bắt đầu tại Ai Cập vào ngày 6/11, thảo luận về cách các nước giàu có thể giúp trả cho những thiệt hại do sự nóng lên toàn cầu ở những nơi khác. Các nước đang phát triển đã yêu cầu thảo luận về việc bù đắp các thiệt hại về khí hậu kể từ khi bắt đầu các cuộc họp COP đầu những năm 1990. Nhưng các quốc gia công nghiệp phát triển giàu có trong hai thế kỷ đã liên tục ngăn cản nỗ lực đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự, vì lo ngại điều này sẽ mở ra nhu cầu đòi bồi thường hàng tỷ USD từ các nước nghèo hơn.

Theo TTXVN