Trong nước

Mỹ tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, cơ hội cho Việt Nam

Thứ năm, 14/5/2020 | 15:01 GMT+7
Việt Nam được mời thảo luận cùng nhóm “bộ tứ mở rộng” (Quad Plus) để tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là tham vọng lớn của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump và là cơ hội cho Việt Nam.

Tìm cách chuyển hướng, đa dạng hoá

Những ngày gần đây, truyền thông thế giới thông tin Mỹ và nhóm “bộ tứ mở rộng” (Quad Plus) sẽ xây dựng một mạng lưới kinh tế thịnh vượng (Economic Prosperity Network) với mục đích được cho là sẽ chuyển dịch 1 phần chuỗi cung ứng rời khỏi Trung Quốc và đa dạng hoá để giảm rủi ro. 

Theo Reuters, chưa rõ những quốc gia nào sẽ nằm trong mạng lưới kinh tế thịnh vượng, tuy nhiên, chính quyền Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, Hàn Quốc, New Zealand, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản. Và nhiều khả năng đây sẽ là những quốc gia được Mỹ hướng đến nhằm tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cũng trên Reuters, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định, chính phủ Mỹ đang làm việc với Úc, Ấn Độ, Nhật, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam nhằm thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu tiến lên phía trước.

Theo ông Pompeo, các cuộc thảo luận bao gồm nội dung sẽ tái cấu trúc các chuỗi cung ứng để ngăn chặn những điều tương tự (sự gián đoạn do đại dịch Covid-19) lặp lại.

Ông Donald Trump tiếp tục một cuộc chiến cam go với Trung Quốc

Thông tin được công bố đầu tiên trên Times of India cho thấy, ngày 20/3 các nước QUAD, bao gồm Úc, Ấn Độ, Nhật và Mỹ đã họp trực tuyến để hỗ trợ nhau trong đại dịch. Điều rất thú vị là cuộc họp có thêm New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam. Bộ tứ mở rộng này sau đó đã họp lại vào ngày 27/3 ở cấp độ thứ trưởng. Nhóm này không chỉ thảo luận về dịch bệnh, mà còn bàn về cách thức để hồi phục các nền kinh tế.

Cũng theo Reuters, đại sứ Colombia Francisco Santos cuối tháng 4 cho biết ông đã có các cuộc thảo luận với Nhà Trắng, Ủy ban An ninh quốc gia, Bộ tài chính Mỹ và Phòng thương mại Mỹ về việc khuyến khích các doanh nghiệp (DN) Mỹ chuyển dần các chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và mang các chuỗi này về gần chính quốc.

Theo số liệu của Liên hiệp quốc (UN), Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành quốc gia sản xuất lớn nhất từ 2010 và chiếm 28% sản lượng toàn cầu vào 2018. Đại dịch đã cho thấy vai trò then chốt của Trung Quốc trong nhiều chuỗi cung ứng, trong đó có chuỗi cung ứng thuốc gốc (generic drugs), chiếm phần lớn trong các đơn thuốc tại Mỹ. Đây có lẽ là lý do khiến Mỹ thúc đẩy các sáng kiến rút bớt chuỗi sản xuất ra khỏi nước này để đa dạng hoá giảm thiểu rủi ro. 

Từ trước đến nay, các chuỗi cung ứng như nguyên liệu dược phẩm, thực phẩm, các thiết bị y tế, thiết bị điện tử... của Mỹ đều phụ thuộc vào Trung Quốc. Tờ Wall Street Journal chỉ ra rằng, đại dịch đã cho thấy sự lệ thuộc của Mỹ vào nguồn cung ứng tại Trung Quốc. Khi các nhà máy ở Trung Quốc đóng cửa, thị trường dược phẩm Mỹ rơi vào tình trạng đóng băng.

Căng thẳng Mỹ - Trung mang cơ hội đến cho nhiều nước

Sự nối lại các cuộc đối thoại 4 bên sau 10 năm gián đoạn và việc mời thêm 3 quốc gia khác gồm Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand cùng thảo luận đã thu hút sự chú ý của truyền thông toàn cầu. “Giảm thiểu tác động lên kinh tế toàn cầu” được cho là nội dung chính của Quad Plus.

Cơ hội cho Việt Nam 

Trên thực tế, không phải bây giờ Việt Nam mới chú trọng tới việc thu hút các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Từ lâu, Chính phủ Việt Nam đã có chủ trương hút vốn từ các tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu nhằm phát triển sản xuất kinh doanh. Độ mở của nền kinh tế Việt Nam thuộc top đầu thế giới, với kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP đạt 200%.

Trong năm 2019, hoạt động thu hút vốn ngoại tiếp tục được đẩy mạnh. Hàng loạt DN dồn dập đầu tư vào bất động sản công nghiệp, mở rộng và mở thêm nhiều khu công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài khi căng thẳng Mỹ - Trung lên cao.

Tuy nhiên, cơ hội đón vốn ngoại lần này được cho là lớn hơn bao giờ hết. Việt Nam thậm chí có thể đón cả chuỗi DN, không chỉ từ Hàn Quốc, Nhật Bản... mà có thể còn từ các tập đoàn lớn từ Mỹ như Apple.

Đánh giá về cơ hội này, trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2020, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, Việt Nam là một điểm đến đầy hứa hẹn cho làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc sau khi Việt Nam đã làm được những điều khác biệt, thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và duy trì được những thành tích trên phương diện kinh tế đối ngoại, giữ tương đối vững kim ngạch xuất khẩu, FDI và FII (vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp) khá cao.

Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong vài tháng qua khiến nhiều quốc gia nhận thấy sự cấp bách của việc đa dạng hóa danh mục sản xuất, thay vì chỉ tập trung tại Trung Quốc. Song, không chỉ Việt Nam, nhiều nước cũng chạy đua thu hút dòng vốn FDI.

Kinh tế khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương dự báo sẽ có nhiều thay đổi

Điển hình là tuần qua, Ấn Độ đưa ra chính sách mạnh mẽ để thu hút các công ty rời Trung Quốc. Quốc gia này dành quỹ đất khổng lồ, gấp 6 lần Singapore, nhằm thu hút các công ty nước ngoài, đặc biệt là DN Mỹ, chuyển nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Nhiều nước khác cũng trải thảm đỏ chào đón các nhà đầu tư đến từ Mỹ, châu Âu... nhằm giành được một vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi, nhất là vị trí địa lý, môi trường ổn định và đặc biệt là thành công trong chống dịch Covid-19. Song, điều cần thiết là đầu tư hơn nữa vào cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ quản trị và minh bạch chính sách.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, cho rằng, Việt Nam nên có thêm các biện pháp mạnh mẽ hơn, như đẩy mạnh giải ngân đầu tư (nhất là đầu tư công), qua đó chuẩn bị dự án đầu tư tốt cho trung hạn.

Theo đánh giá của WB, triển vọng trung hạn của Việt Nam nhìn chung thuận lợi. Việt Nam đang có vị thế vững chắc để hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do sắp có hiệu lực trong giai đoạn dự báo.

Còn Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick thì cho rằng, Việt Nam cần cải thiện chính sách hơn nữa để hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Hành lang pháp lý thuận lợi hơn sẽ giúp Việt Nam phát triển các dịch vụ theo cả chiều sâu và chiều rộng.

Theo Vietnamnet