Trong nước

Năm 2024: Giải ngân vốn kế hoạch đạt 72,9%

Thứ tư, 22/1/2025 | 14:13 GMT+7
Bộ Tài chính vừa có văn bản số 768/BTC-ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước 12 tháng, ước 13 tháng kế hoạch năm 2024.

Theo đó, về giải ngân vốn kế hoạch năm 2024: lũy kế giải ngân từ đầu năm đến ngày 31/12/2024 là 548.569,3 tỷ đồng, đạt 72,9% kế hoạch (752.476,4 tỷ đồng), đạt 80,32% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 5.624,32 tỷ đồng (đạt 88,45% kế hoạch), Chương trình mục tiêu quốc gia là 19.936,9 tỷ đồng (đạt 73,24% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Ước giải ngân từ đầu năm đến ngày 31/1/2025 là 635.579,9 tỷ đồng, đạt 84,47% kế hoạch, đạt 93,06% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 82,47% kế hoạch và đạt 93,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 6.192,09 tỷ đồng (đạt 97,38% kế hoạch), Chương trình mục tiêu quốc gia là 23.321,2 tỷ đồng (đạt 85,68% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Ảnh minh họa

Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân 13 tháng vốn ngân sách Trung ương đạt tỷ lệ cao hơn cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên vốn ngân sách địa phương giải ngân còn thấp. Kết quả trong 13 tháng 2024, 16/46 Bộ, cơ quan trung ương và 37/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với tổng kế hoạch đạt trên mức bình quân chung của cả nước (84,47%).

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính, 30/46 Bộ, cơ quan trung ương và 26/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.

Vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế có tỷ lệ giải ngân 13 tháng đạt cao, đạt 97,38% kế hoạch; trong đó, vốn Chương trình phục hồi của Bộ, cơ quan trung ương quản lý đạt 99,8% (riêng Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đạt tỷ lệ 100%).

Về tình hình thực hiện các dự án trọng điểm, đến hết ngày 31/12/2024, tổng số vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là 70.743,08 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 72,9% kế hoạch năm 2024 được giao (96.991,66 tỷ đồng), trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 78.489,38 tỷ đồng, đạt 82,4%; vốn ngân sách địa phương là 18.502,28 tỷ đồng, đạt 33,2%.

Như vậy, kết quả giải ngân các dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải thấp hơn so với tỷ lệ giải ngân bình quân 12 tháng của cả nước (80,32%). Tỷ lệ giải ngân tiếp tục chậm lại trong những tháng cuối năm.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tổng hợp đề xuất của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, báo cáo cấp thẩm quyền về kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 sang năm 2025 của các dự án để kịp thời giao kế hoạch vốn kéo dài, tránh làm gián đoạn tiến độ thực hiện và giải ngân của các dự án.

Đức Dũng