Trong nước

Phát triển bền vững Ninh Bình theo quy hoạch chung vùng đồng bằng sông Hồng

Thứ ba, 12/7/2022 | 08:22 GMT+7
Ninh Bình định hướng tăng trưởng và tái cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng lấy phát triển công nghiệp làm trọng tâm, du lịch là mũi nhọn.

Theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết được thực hiện nhằm phát triển vùng đồng bằng sông Hồng thời gian tới phù hợp với bối cảnh, tình hình mới. Ninh Bình là một trong các địa phương thuộc đồng bằng sông Hồng nên cần thiết phải định hướng phát triển theo tình hình chung.

Qua đánh giá, quy mô kinh tế Ninh Bình còn nhỏ so với các tỉnh trong khu vực; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng; chưa phát triển được kinh tế ven biển; quản lý nhà nước về văn hóa cơ sở, tôn giáo, tín ngưỡng, thông tin truyền thông có mặt còn hạn chế; khoa học công nghệ chưa thực sự là động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, cho tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và tăng năng suất lao động.

Phát triển tỉnh Ninh Bình theo định hướng phát triển vùng đồng bằng sông Hồng

Về vấn đề này, mới đây, tại Hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13-KL/TW ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu Đảng Bộ tỉnh Ninh Bình thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp.

Cụ thể, Ninh Bình cần đẩy mạnh liên kết phát triển vùng; phát huy vị trí địa lý, tiềm năng, chủ động hội nhập, mở rộng giao lưu kinh tế để tăng cường liên kết vùng, nhất là với các địa phương khu vực phía Nam đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ; khai thác các cơ hội từ các xu hướng phát triển kinh tế trong nước, thế giới; hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng khung kết nối đồng bộ để trở thành đầu mối giao lưu của khu vực phía Nam vùng đồng bằng sông Hồng và với các vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Bắc Trung Bộ...

Bên cạnh đó, cần khắc phục các hạn chế, yếu kém và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và tích hợp lại thành "dư địa" để khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục cải cách, tinh giản các thủ tục hành chính ở tất cả các cấp; xử lý tháo gỡ vướng mắc các dự án chậm tiến độ, khơi thông nguồn lực đất đai. Đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn...

Trong thời gian tới, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Ninh Bình sớm hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Quy hoạch phải đảm bảo có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, quy hoạch sử dụng đất; phải trở thành công cụ quản lý, tạo động lực, không gian phát triển, là cơ sở để quản lý và thu hút các nguồn lực đầu tư và quy hoạch xây dựng các huyện, đô thị và nông thôn.

Đặc biệt, cần có sự thống nhất và phân chia một cách hợp lý mục tiêu phát triển, khai thác hiệu quả các lợi thế và bố trí đầy đủ nguồn lực để phát triển tỉnh Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước; có cơ cấu kinh tế tiên tiến, đầu mối giao lưu của khu vực phía Nam vùng đồng bằng sông Hồng với các vùng Tây Bắc và vùng Bắc Trung Bộ; là một cực tăng trưởng của hành lang kinh tế ven biển Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình.

Quy hoạch phải bảo đảm phát triển toàn diện, có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý giữa bảo tồn và phát triển, có sự thống nhất giữa kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; bảo đảm sự liên kết giữa các ngành, các không gian kinh tế; khai thác, sử dụng có hiệu quả nhất kết cấu hạ tầng hiện có; phát triển đô thị theo hướng thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế, bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Bảo An