Quy hoạch, xây dựng

Phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn tầm nhìn đến năm 2050

Thứ ba, 22/8/2023 | 14:36 GMT+7
Ngày 22/8, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 979/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là từng bước hình thành và phát triển hệ thống cảng cạn trên phạm vi cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, tăng năng lực thông qua hàng hóa của các cảng biển. Tổ chức vận tải container một cách hợp lý nhằm giảm chi phí vận chuyển và thời gian lưu hàng tại cảng biển, đảm bảo an toàn hàng hóa. Góp phần giảm ùn tắc giao thông và bảo vệ môi trường, đặc biệt ở các đô thị lớn và khu vực có cảng biển lớn. Phát triển hệ thống cảng cạn trở thành các đầu mối tổ chức vận tải, trung chuyển, phân phối hàng hóa, kết hợp với cung cấp các dịch vụ logistics.

Cụ thể, đến năm 2030: phát triển hệ thống cảng cạn có khả năng thông qua khoảng từ 25% đến 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải. Hình thành các cảng cạn, cụm cảng cạn với tổng công suất khoảng từ 11,9 triệu TEU/năm đến 17,1 triệu TEU/năm.

Trong đó, khu vực phía Bắc gồm các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 4,29 triệu TEU/năm đến 6,2 triệu TEU/năm; khu vực miền Trung - Tây Nguyên có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 0,9 triệu TEU/năm đến 1,4 triệu TEU/năm; khu vực phía Nam có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 6,8 triệu TEU/năm đến 9,5 triệu TEU/năm.

Định hướng đến năm 2050: phát triển hệ thống cảng cạn trở thành các đầu mối tổ chức vận tải, trung chuyển, phân phối hàng hóa, kết hợp với cung cấp các dịch vụ logistics, có khả năng thông qua khoảng 30% - 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải, đồng thời đáp ứng nhu cầu dịch vụ logistics tại các địa phương.

Từng bước hình thành và phát triển hệ thống cảng cạn trên phạm vi cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu

Theo quy hoạch, tổng nhu cầu sử dụng đất phát triển cảng cạn theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng từ 1.199 ha đến 1.707 ha, trong đó diện tích đất cần bổ sung thêm khoảng từ 784 đến 1.211 ha. Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng cạn đến năm 2030 khoảng từ 27,4 đến 42,38 nghìn tỷ đồng.

Ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng cạn trên các hành lang vận tải kết nối với các cửa khẩu cảng biển lớn ở khu vực phía Bắc (cảng biển Hải Phòng) và khu vực phía Nam (cảng biển thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu).

Quyết định nêu các giải pháp để thực hiện các mục tiêu gồm: giải pháp về cơ chế, chính sách; giải pháp về huy động vốn đầu tư; giải pháp về hợp tác quốc tế, khoa học - công nghệ và môi trường; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về tổ chức thực hiện quy hoạch.

Trong đó, về giải pháp về hợp tác quốc tế, khoa học - công nghệ và môi trường: tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước thông qua các chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Thực hiện các điều ước, thỏa thuận khu vực và quốc tế về cảng cạn mà Việt Nam là thành viên. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Hiệp định liên Chính phủ về cảng cạn UNESCAP, thúc đẩy sự công nhận quốc tế về cảng cạn, tạo thuận lợi cho đầu tư cơ sở hạ tầng cảng cạn, cải thiện hiệu quả hoạt động và nâng cao tính bền vững về môi trường trong giao nhận vận tải, thúc đẩy sự phát triển của hành lang vận tải đa phương thức quốc tế. Tiếp tục thực hiện Quyết định số 604/QĐ-TTg ngày 8/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường kết nối giao thông vận tải trong ASEAN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

Đồng thời, tăng cường hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế nhằm phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật hiện đại; ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống cảng cạn phù hợp với xu hướng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Triển khai các nền tảng số, kết nối và chia sẻ dữ liệu trong hệ thống kết nối đến các bên liên quan trong chuỗi cung ứng, bao gồm chủ hàng, công ty giao nhận, vận tải nội địa, cảng, hãng tàu, cơ quan hải quan...

Hải Long