Theo công văn, Viện Vật lý địa cầu cho biết, trong các ngày 28 - 29/7 tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum), địa phương giáp ranh với tỉnh Quảng Ngãi, liên tục xảy ra nhiều trận động đất, đặc biệt là trận động đất lúc 11 giờ 35 phút ngày 28/7 với cường độ 5 độ richter, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2 ở khu vực tâm chấn và vùng lân cận.
Đây được xem là trận động đất có cường độ lớn nhất quan trắc được từ năm 1903 đến nay tại khu vực, rung chấn cảm nhận rõ ở cả các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/7/31/dong-dat-20240731102012869.png)
Ảnh minh họa
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, dư chấn của động đất đã gây rung lắc trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng đến tâm lý người dân, nhất là người dân tại các huyện miền núi gần khu vực tâm chấn như Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng.
Do đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, chủ động khắc phục hậu quả động đất, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các địa phương thông tin kịp thời về động đất và dư chấn; hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho người dân trong vùng ảnh hưởng, tránh tâm lý hoang mang.
Các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở cần khẩn trương kiểm tra, nắm tình hình, đánh giá thiệt hại, ảnh hưởng của động đất đến công trình nhà ở của nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Chủ động tổ chức sơ tán, bố trí chỗ ở tạm cho hộ dân bị hư hại nhà ở. Các đơn vị quản lý, chủ công trình theo dõi chặt chẽ công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông nhằm chủ động phát hiện biểu hiện nguy hiểm đến an toàn công trình để xử lý, ứng phó kịp thời.
Theo Viện Vật lý địa cầu, nguyên nhân gây ra động đất ở khu vực huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) là động đất kích thích, cụ thể là do các hồ chứa thủy điện nằm trong vùng. Việc tích nước của các hồ chứa có thể là nguyên nhân gây ra các trận động đất vừa qua. Theo đó, quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới khiến động đất xảy ra sớm hơn so với quy luật tự nhiên.
Một số yếu tố liên quan đến động đất kích thích như mực nước hồ chứa, tốc độ tích nước hồ chứa, tổng lượng nước sẽ tác động đến động đất. Tuy nhiên, những ảnh hưởng này có thể diễn ra sau vài tháng, vài năm khi nước ngấm đủ xuống bên dưới.
Dự báo động đất kích thích tại Kon Plong sẽ kéo dài trong nhiều năm, có thể là 10 năm sau đó mới ổn định tùy đặc điểm địa chất khu vực xảy ra động đất. Nếu so sánh cùng đặc điểm địa chất với Thủy điện sông Tranh 2 ở tỉnh Quảng Nam thì động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn nhưng khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ richter.
Động đất ở Kon Tum sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng không chỉ trên địa bàn mà còn tác động đến khu vực đông dân cư và công trình trọng điểm thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Vì vậy, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi cần cập nhật thường xuyên tình hình để đưa ra phương án thiết kế kháng chấn cho các loại công trình trọng điểm, khu dân cư…