02_Tintuc_NewsDetail -3Col

TP HCM dấu ấn 42 năm

Chủ nhật, 30/4/2017 | 08:40 GMT+7
42 năm qua, Đảng bộ và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã giữ vững ổn định chính trị, khôi phục và hội nhập kinh tế sâu rộng, từng bước khẳng định vị trí “đầu tàu” của cả nước

Kinh tế tăng trưởng cao, ổn định

Mặc dù chỉ chiếm 0,63% diện tích và 8,8% dân số cả nước nhưng 42 năm qua, kinh tế của TP. Hồ Chí Minh luôn giữ mức tăng trưởng ổn định với quy mô ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu. Quy mô kinh tế của thành phố chiếm hơn 1/5 quy mô kinh tế của cả nước, đóng góp trên 30% nguồn thu ngân sách quốc gia.

Nhiều năm liền, kinh tế của thành phố duy trì tốc độ bình quân từ 10 - 12%/năm, cao hơn 1,5 lần so với cả nước. Đặc biệt, giai đoạn 2011- 2015, kinh tế thành phố tăng trưởng khá cao, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm sau cao hơn năm trước, bình quân đạt 9,6%/năm, gấp 1,63 lần so với cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, góp phần cùng cả nước kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Quý I/2017, kinh tế TP. Hồ Chí Minh tiếp tục có sự tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 với các nhân tố đầu vào của sản xuất có chuyển biến. Các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp đều đạt những kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 235.932 tỷ đồng, tăng 7,46% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 227.541 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số phát triển công nghiệp tăng 6,02% so với cùng kỳ, trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) tiếp tục chủ động mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng. Năng lực cạnh tranh của sản phẩm ước tăng 8,97% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành.

Đến nay, TP. Hồ Chí Minh có trên 140.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, chiếm 1/3 số lượng đang hoạt động của cả nước và hơn 250.000 hộ kinh doanh cá thể. Thành phố đã xây dựng được đội ngũ doanh nhân, DN đông đảo, chất lượng, phát triển mạnh về mọi mặt, đóng góp cho đất nước về nhiều mặt. Trong năm 2017, để hỗ trợ DN phát triển, thành phố bố trí gói đầu tư 1.000 tỷ đồng từ ngân sách hỗ trợ khởi nghiệp và hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện chuyển sang thành lập DN; bố trí gói đầu tư 2.000 tỷ đồng từ ngân sách cho chương trình kích cầu đầu tư để hỗ trợ và khuyến khích DN đổi mới thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ.

Thành phố cũng dẫn đầu cả nước về năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những địa phương làm tốt việc thu hút vốn đầu tư của nước ngoài (FDI). Vốn FDI đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh đã đạt trên 40,99 tỷ USD với 6.485 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực. Thành phố hiện có 3 khu chế xuất và 13 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 3.748 ha...

Với những thành tựu đạt được, TP. Hồ Chí Minh đã và đang góp phần thúc đẩy Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước phát triển.

Chú trọng phát triển hạ tầng

Những năm qua, phát triển đô thị ở TP. Hồ Chí Minh được đặc biệt quan tâm, đạt nhiều kết quả tích cực. Các Khu đô thị mới xuất hiện ngày càng văn minh, hiện đại như Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị Tây Bắc... Quản lý đô thị từng bước đi vào nền nếp, đúng quy hoạch, hài hòa với không gian, khang trang, hiện đại.

Đến nay, thành phố đã hoàn thành quy hoạch xây dựng 24 quận, huyện. Bên cạnh đó, một trong những điểm sáng, mang tính đột phá trong phát triển đô thị của thành phố là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư nhiều hơn. Đến nay, đường Nguyễn Văn Linh, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, cầu Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn 2, đường Võ Văn Kiệt... và nhiều tuyến đường khác đã được đầu tư xây dựng và bước đầu khai thác hiệu quả. Thêm nữa, thành phố cũng đã đầu tư cải tạo hệ thống kênh rạch trên địa bàn và đạt nhiều kết quả tốt, đặc biệt là Dự án vệ sinh môi trường nước thành phố khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé - Tàu Hũ - kênh Đôi - kênh Tẻ (giai đoạn 1)... đã góp phần cải tạo môi tường, tạo cảnh quan môi trường xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn, an toàn hơn.

Để đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị hiện đại, văn minh, các cấp chính quyền đang xây dựng đề án đô thị thông minh. Theo đó, áp dụng công nghệ thông minh để giải quyết những vấn đề cụ thể mà một đô thị lớn đang gặp phải đó là hạ tầng giao thông quá tải, chống ngập nước, kẹt xe, xử lý rác thải, ô nhiễm môi trường...

Song song với phát triển kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân thành phố ngày càng được cải thiện và không ngừng nâng cao. Các hoạt động văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư, chất lượng phục vụ tốt. Công tác chăm sóc sức khỏe có nhiều tiến bộ. Các chương trình xây dựng nông thôn mới được lồng ghép với các chương trình an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo... đạt kết quả đáng khích lệ. Đến nay, thành phố đã hoàn thành chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 3 (2011 - 2015) trước 2 năm so với kế hoạch. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới, đền ơn đáp nghĩa thực hiện tốt, mang đậm nét đẹp văn hóa nhân văn Việt Nam.

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Bước vào giai đoạn phát triển mới, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục theo đuổi mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, trọng tâm là phát triển kinh tế tri thức, tăng trưởng xanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, sử dụng toàn diện và hiệu quả các nguồn lực, gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh đang nỗ lực thực hiện xây dựng thành phố thông minh, năng động, hiện đại với khả năng kết nối sâu rộng vào chuỗi giá trị khu vực và quốc tế, cạnh tranh được với các thành phố lớn của châu Á; là điểm nhấn về thu hút đầu tư và khởi nghiệp; phát huy vai trò trung tâm nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy hợp tác, liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đáng chú ý, UBND TP. Hồ Chí Minh đã đề ra 19 chỉ tiêu, 10 giải pháp mang tính đột phá và quyết tâm thực hiện, nhằm hiện thực hóa mục tiêu GRDP năm 2017 đạt hơn 1,030 triệu tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm 2016.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, trong 19 chỉ tiêu đề ra, có 5 chỉ tiêu về kinh tế và phải tập trung đạt GRDP từ 8,4 - 8,7%; tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP từ 36% trở lên; tổng vốn đầu tư xã hội đạt 35% GRDP; thành lập mới 50.000 DN; thu ngân sách đạt 100% dự toán.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, năm nay, thành phố phấn đấu đạt Top 5 địa phương dẫn đầu cả nước về xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tạo điều kiện để nâng mức sống của người dân ngày càng cao. Thành phố sẽ làm hết mình để khuyến khích cộng đồng DN tập trung nâng cao năng suất chất lượng, cải thiện môi trường kinh doanh; khuyến khích khởi nghiệp, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, xây dựng nền hành chính hiệu quả, chủ động hội nhập quốc tế.

Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh Phạm Thành Kiên cho biết, để trở thành “đầu tàu” kinh tế của cả nước và tiến tới là trung tâm kinh tế mang tầm khu vực, chính quyền thành phố đang nỗ lực tập trung tái cấu trúc kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, phấn đấu đến hết năm 2017 sẽ có thêm 50.000 DN mới. Về lâu dài, thành phố đặt trọng tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên cơ sở rà soát quy hoạch, phát triển ngành, sản phẩm đặc thù mang giá trị kinh tế cao, coi dịch vụ logistics đóng vai trò quan trọng để làm đầu mối trung chuyển và xuất nhập khẩu hàng hóa cho cả nước và quốc tế. Đặc biệt, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, chế tạo, chế biến công nghệ cao; phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng công nghệ cao và công nghệ sinh học.

Hoạt động kinh tế của TP. Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục tăng trưởng, năng lực cạnh tranh được nâng cao, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo đúng mục tiêu đã hoạch định.

 

TH