Quy hoạch, xây dựng

Thanh Hóa hỗ trợ tái định cư hơn 1.600 hộ dân khu vực xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Thứ tư, 8/9/2021 | 16:58 GMT+7
Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã cho ý kiến về các báo cáo, tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống nhân dân.

Về đề án sắp xếp ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025, các ý kiến đều thống nhất với mục tiêu là từ năm 2021 đến tháng 6/2023 sắp xếp, ổn định cho 1.653 hộ dân theo hình thức bố trí tái định cư xen ghép 810 hộ; bố trí tái định cư liền kề 458 hộ; bố trí tái định cư tập trung 385 hộ.

Theo đó, trước mắt, ưu tiên triển khai thực hiện 3 khu tái định cư tập trung gồm: khu tái định cư bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát; khu tái định cư Co Hương, bản Ngàm, xã Tam Thanh; khu tái định cư bản Lở, xã Nam Động, huyện Quan Hóa theo hình thức dự án khẩn cấp phòng, chống lụt bão để bảo đảm đời sống cho nhân dân.

Ảnh minh họa

Giai đoạn từ tháng 6/2023 đến năm 2025 sắp xếp ổn định cho 1.127 hộ dân theo hình thức bố trí tái định cư xen ghép 293 hộ; bố trí tái định cư liền kề 371 hộ; bố trí tái định cư tập trung 463 hộ.

Đối với các hộ ở nhà sàn, nhà không kiên cố khi thực hiện di chuyển đến nơi ở mới sẽ nhận mức hỗ trợ là 40 triệu đồng; đối với các hộ nhà ở cấp 4, nhà mái bằng mức hỗ trợ là 75 triệu đồng; đối với các hộ ở nhà 2 tầng trở lên mức hỗ trợ 100 triệu đồng...

Tại hội nghi, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cơ bản thống nhất với các quan điểm được nêu trong đề án và đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp thu ý kiến của Thường trực, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy để bổ sung vào phần quan điểm với tinh thần sắp xếp dân cư phải để người dân đến nơi ở mới bằng và tốt hơn nơi cũ.

Ở phần mục tiêu tổng quát, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa yêu cầu cần phải bám vào quan điểm của đề án, từ đó thể hiện rõ việc sắp xếp ổn định dân cư. Ngoài sự hỗ trợ giúp đỡ của Nhà nước, người dân phải nêu cao tinh thần chủ động, tự lực, tự cường của gia đình, dòng họ để thực hiện việc di dời đến nơi ở mới an toàn.

Khánh Nam (t/h)