Theo chương trình, phiên họp thảo luận, cho ý kiến về 5 dự án Luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Các dự án luật này có ý nghĩa quan trọng trong hoàn thiện quy hoạch phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy sau khi sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính, mở rộng không gian phát triển mới cho từng địa phương, khu vực; tăng cường phân cấp, phân quyền về quản lý tài chính cho các địa phương; “1 luật sửa 7 luật” để tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi; thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn và minh bạch; hoàn thiện khung khổ pháp lý để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiệu quả, an toàn, phù hợp với thực tiễn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4
Sau khi các đại biểu cho ý kiến, thảo luận về 5 dự án Luật, kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành tập trung chỉ đạo, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ các dự án luật theo đúng quy định để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025.
Thủ tướng phân công các Phó Thủ tướng phụ trách trực tiếp chỉ đạo việc chỉnh lý, hoàn thiện các dự án Luật; giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến của thành viên Chính phủ và ý kiến tại phiên họp; hoàn thiện, sớm trình ban hành Nghị quyết phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật để làm cơ sở để các Bộ, cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện, trình các dự án luật, nghị quyết.
Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện các dự án Luật theo hướng cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương của Đảng; phân cấp, phân quyền, ủy quyền triệt để đi đôi với thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra; phân bổ nguồn lực; cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành với nhau; đầu tư công sức, trí tuệ cho xây dựng pháp luật; xây dựng 1 luật để sửa nhiều luật; đảm bảo “6 rõ” trong công tác xây dựng các dự án Luật “rõ: những nội dung lược bỏ; những nội dung sửa đổi, hoàn thiện; những nội dung bổ sung; những nội dung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; những nội dung phân cấp, phân quyền; những vấn đề còn ý kiến khác nhau và những vấn đề khác cần báo cáo Thường trực Chính phủ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo”, đồng thời đảm bảo 6 rõ “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền” trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện pháp luật.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ được giao chủ trì soạn thảo các dự án Luật, pháp lệnh, nghị quyết phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; chủ động phối hợp với các cơ quan của Quốc hội trong việc trình, tiếp thu, hoàn thiện, trình các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; báo cáo cấp có thẩm quyền đối với các vấn đề phát sinh.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan chủ động rà soát, chuẩn bị các đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết cho Chương trình lập pháp năm 2026; tổ chức tổng kết việc thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XVI.