Hội nghị nhằm giới thiệu Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương; triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành năm 2023 và các năm tiếp theo.
Phát biểu tại hội nghị, Vụ phó Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương Tăng Thế Hùng cho biết, Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh ngành công thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ quan trọng của ngành. Trong đó, lấy thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, phát triển theo hướng carbon thấp phù hợp với điều kiện quốc gia và xu hướng quốc tế.
Ông Tăng Thế Hùng thông tin thêm, các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ được lồng ghép trong mọi chương trình, kế hoạch, chiến lược phát triển ngành; đảm bảo sự thích ứng linh hoạt với các tác động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn do biến đổi khí hậu gây ra, đảm bảo cho sự phát triển, tăng trưởng ổn định của ngành, hạn chế tối đa các thiệt hại do thiên tai, bão lũ, các tác động do thời tiết, khí hậu cực đoan.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2023/7/20/giam-thai-knk-20230720110528541.jpg)
Quang cảnh hội nghị
Chia sẻ tại hội nghị, ông Hoàng Văn Tâm, Phó Chánh Văn phòng Ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, Bộ Công Thương cho biết, các quốc gia hiện đã thống nhất cắt giảm mạnh mẽ phát thải khí nhà kính với các mốc thời gian cụ thể, không phân biệt quốc gia phát triển hay đang phát triển. Tại Việt Nam, ưu tiên của ngành công thương là tiến hành kiểm kê, xác định mức phát thải khí nhà kính tại tất cả các nguồn thải lớn của doanh nghiệp. Từ đó, thực hiện các biện pháp kiểm soát và giảm phát thải khí nhà kính theo quy định của Chính phủ gồm: sử dụng năng lượng, tài nguyên hiệu quả, chuyển đổi các các nguồn năng lượng sạch, đầu tư dài hạn cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính, kiểm soát dấu vết carbon trong toàn chuỗi cung ứng.
Theo kế hoạch, Bộ Công Thương phấn đấu đến năm 2030 giảm 30 - 40% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường của ngành năng lượng; 100% các cơ sở phát thải khí nhà kính phải được kiểm kê theo quy định; hoàn thiện các quy định, quy trình kiểm kê, kiểm soát phát thải khí nhà kính cho các ngành công nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đặt mục tiêu giảm thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực thích ứng với thiên tai, các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đầu tư công trình, hạ tầng cơ sở công nghiệp, thương mại, năng lượng; lồng ghép các vấn đề biến đổi khí hậu trong các quy hoạch, chiến lược.
Theo đó, để đạt được các mục tiêu trên, Bộ Công Thương đã và đang triển khai các giải pháp về quản lý, khoa học công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế, đào tạo, tăng cường nguồn nhân lực, tuyên truyền phổ biến…
Trong khuôn khổ buổi làm việc, các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan nhằm thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh. Các ý kiến đều đưa ra giải pháp dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường; nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.