Các nhà khoa học Nhật Bản phát triển hệ thống gồm tường chắn sóng có thể dịch chuyển và turbine phát điện giúp bảo vệ bến cảng hiệu quả.
Tường chắn sóng có thể nâng hạ giúp bảo vệ các thị trấn ven biển trước sóng thần nhưng trong tình huống mất điện và chúng không hoạt động, thảm họa sẽ xảy ra. Để khắc phục vấn đề này, nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghệ Tokyo đề xuất một bức tường chắn có thể tự sản xuất điện, New Atlas hôm 25/1 đưa tin.
Tường chắn sóng di động sẽ được nâng lên để bảo vệ cảng khỏi sóng thần
Mỗi năm trên thế giới chỉ có khoảng 2 trận sóng thần gây thiệt hại hoặc chết người, theo Hệ thống Cảnh báo Sóng thần Mỹ. Những vụ sóng thần mạnh với khả năng gây thiệt hại hoặc chết người ở cách xa nguồn hơn 1.000 km xảy ra với tần suất khoảng 2 vụ mỗi thập kỷ. Tuy nhiên, sóng thần vẫn là một trong những hiện tượng có sức hủy diệt lớn nhất hành tinh. Và ở Nhật Bản - quốc gia hứng chịu tới 20% số trận sóng thần trên thế giới, đây là mối đe dọa thường trực.
Một biện pháp để ngăn chặn hoặc giảm thiệt hại là lắp đặt những tường chắn lớn dưới đáy biển xung quanh cảng. Chúng có thể được nâng lên nhanh chóng khi thảm họa xuất hiện. Nhưng trong trường hợp mất điện sau thảm họa, việc hạ chúng xuống để cảng hoạt động lại bình thường trở thành một bài toán.
Trong nghiên cứu mới, các chuyên gia đề xuất lắp đặt những bức tường chắn sóng ngắn và có thể dịch chuyển ở mỗi bến cảng, với khoảng trống rộng 30 cm giữa chúng. Trong khoảng trống là các turbine phát điện thủy triều nhỏ, có khả năng tạo ra dư thừa điện để vận hành các tời - thiết bị giúp hạ tường chắn xuống đáy biển để bến cảng hoạt động lại sau khi nguy hiểm qua đi.
Hệ thống tường chắn tạo ra đủ điện để tự vận hành và khi không có sóng thần, chúng cũng có thể tạo ra tới 1.000 kWh năng lượng sạch mỗi đợt thủy triều. Lượng điện này sẽ được cung cấp cho địa phương.
Tuy nhiên, không phải khu vực nào cũng có thể lắp đặt hệ thống. Nhóm nghiên cứu đã đánh giá khoảng 56 cảng của Nhật Bản và nhận thấy chỉ 23 cảng trong số này có thể tạo ra đủ điện để hạ tường chắn.
"Theo chúng tôi biết, chưa có hệ thống nào trên thế giới sử dụng tường chắn sóng di động để sản xuất điện và dùng chính nguồn điện đó để vận hành. Trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt ở Nhật Bản, nếu công nghệ tường chắn sóng di động mới có thể được thiết lập thông qua nghiên cứu này thì chắc chắn trong tương lai, nó có thể được xuất khẩu và triển khai ở nước ngoài như một công nghệ phòng chống thiên tai mang tính đột phá", giáo sư Hiroshi Takagi, trưởng nhóm dự án cho biết.
Theo vnexpress.net