Quy hoạch, xây dựng

Bà Rịa - Vũng Tàu: Dự án xây cầu Phước An qua sông Thị Vải

Thứ ba, 5/10/2021 | 12:39 GMT+7
NLSVN - Cầu Phước An là dự án thành phần thuộc dự án đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải với chiều dài hơn 21,3 km từ cảng Cái Mép Hạ (thị xã Phú Mỹ) tới cảng Phước An (đoạn qua Đồng Nai dài 1,4 km). Khi cây cầu hoàn thiện sẽ là một hướng đi mới cho hàng hóa từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến các tỉnh miền Đông, miền Tây và ngược lại.

Dự án cầu An Phước được coi là công trình trọng điểm

Theo UBND tỉnh BR-VT, dự án đi qua BR-VT và Đồng Nai với tổng diện tích đất phải thu hồi là 13,18 ha, trong đó diện tích thu hồi thuộc tỉnh BR-VT là 4,67 ha. Để đẩy nhanh dự án, cả BR-VT và Đồng Nai đang gấp rút lập bản đồ địa chính, thủ tục thu hồi đất, giao đất để hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thẩm định

Lý do được BR-VT đưa ra là qua nghiên cứu, địa phương nhận thấy khoản 1 điều 17 Nghị định 47/CP năm 2014 của Chính phủ quy định bộ, ngành có dự án đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh nơi có đất thu hồi xây dựng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, mà không quy định trường hợp dự án do cấp tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư như dự án cầu Phước An nên không xác định được cơ quan, đơn vị nào sẽ xây dựng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. "Nhằm đẩy nhanh tiến độ để thực hiện dự án, tỉnh BR-VT đề nghị Bộ TN-MT xem xét hướng dẫn trình tự, thủ tục xây dựng khung chính sách đối với dự án" - UBND tỉnh BR-VT kiến nghị.

Theo UBND tỉnh, Dự án có tính chất đặc biệt, quyết định đến sự kết nối giữa đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải với hệ thống đường cao tốc trong khu vực như cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Qua đó, kết nối toàn bộ nhóm cảng biển số 5 với khu vực Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ, góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh BR-VT, Đồng Nai, TP HCM nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Ngoài ra, UBND tỉnh BR-VT còn nhấn mạnh dự án có tính chất đặc biệt quan trọng trong thời điểm mà toàn bộ tuyến Quốc lộ 51 đang ngày càng quá tải trầm trọng. Khi cầu đưa vào sử dụng, ngoài giúp giảm tải cho Quốc lộ 51, cầu còn là mắt xích quan trọng kết nối vận chuyển hàng hóa từ cụm cảng Cái Mép - Thị Vải về Đồng Nai, TP HCM và các tỉnh lân cận, giúp rút ngắn hành trình và thời gian vận chuyển hàng hóa tạo sự đồng bộ về giao thông.

Theo Sở GTVT tỉnh BR-VT, khi có cầu, các phương tiện đi từ TP HCM về Vũng Tàu hoặc ngược lại có thể chọn lựa lưu thông bằng cách đi theo lộ trình qua đường Long Sơn - Cái Mép (đang được đầu tư) đến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải (thị xã Phú Mỹ). Sau khi qua cầu Phước An sẽ đi vào đường 319 nối dài (huyện Nhơn Trạch, đang được đầu tư) để kết nối vào cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Với tuyến đi này, các phương tiện sẽ không phải di chuyển trên Quốc lộ 51. Hàng hóa, phương tiện lưu thông từ cảng Cái Mép - Thị Vải cũng có thể qua cầu Phước An kết nối vào cao tốc Bến Lức - Long Thành để đi về các tỉnh miền Tây Nam Bộ mà không phải di chuyển một phần qua Quốc lộ 51.

Chính vì lẽ trên, UBND tỉnh BR-VT quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cầu Phước An do Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải (đơn vị trực thuộc tỉnh BR-VT) làm chủ đầu tư. Thời gian dự kiến xây dựng trong giai đoạn 2021-2026. Tổng mức đầu tư dự án cầu Phước An khoảng 4.879 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương trong giai đoạn 2021-2026. Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh khoảng 2.879 tỉ đồng, ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 2.000 tỉ đồng. 

Tuy nhiên, hiện tại, dự án còn gặp một vài vướng mắc liên quan tới vấn đề bồi thường, đền bù cho người dân xung quanh

PV