Năng lượng sạch

Bắc Kinh đặt mục tiêu năm 2030 sử dụng 35% năng lượng tái tạo

Thứ ba, 2/10/2018 | 10:45 GMT+7
Bắc Kinh mới đây đã điều chỉnh lại mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo để tiến nhanh hơn trong lộ trình này, với thay đổi lớn nhất nằm ở mục tiêu đạt ít nhất 35% năng lượng tiêu thụ vào năm 2030 phải là năng lượng tái tạo.

Đây là con số hết sức tham vọng so với mục tiêu chỉ chuyển sang sử dụng 20% năng lượng “phi hóa thạch” vào năm 2030 đã đề ra trước đó. 

Kế hoạch mới, với tên gọi Tiêu chuẩn danh mục tái tạo (Renewable Portfolio Standard), chính là để giải quyết tình trạng ô nhiễm đang bùng nổ tại quốc gia đông dân nhất thế giới, thông qua việc giảm thiểu sử dụng than đá. Bắc Kinh cũng nâng khung quy định cho các địa phương, và yêu cầu các doanh nghiệp không đáp ứng được tiêu chuẩn phải đóng thêm chi phí. Những khoản tài chính này sẽ được sử dụng cho các dự án năng lượng tái tạo của chính phủ. Trong năm 2015, Trung Quốc đã chi khoảng 103 tỷ USD cho các dự án dạng này, chiếm tới 36% tổng mức đầu tư của thế giới. 

Đối với Trung Quốc, vốn đã tạo được thế mạnh trong việc sản xuất năng lượng tái tạo, việc nâng tỉ lệ sử dụng loại năng lượng mới cũng giúp mở rộng thị trường tiêu thụ, giảm nhu cầu và sự lệ thuộc đối với hoạt động nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ các quốc gia khác trên thế giới. 

Tháng 8/2009, chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng gió đã được Chính phủ Trung Quốc thay thế bằng ưu đãi thuế. Với chính sách mới này, bốn trang trại điện gió đã được thiết lập, dựa trên chất lượng tài nguyên năng lượng gió, điều kiện cung cấp kỹ thuật và cơ sở hạ tầng. 

Bằng cách cho phép các nhà đầu tư nắm rõ tỷ lệ hoàn vốn dự kiến thông qua việc công bố trước mức thuế đánh trên số điện năng truyền tải, Chính phủ Trung Quốc đã tạo điều kiện khuyến khích phát triển nguồn năng lượng gió chất lượng cao. Đồng thời, điều này giúp các nhà máy điện gió giảm chi phí đầu tư và vận hành, tăng hiệu quả kinh tế, qua đó, thúc đẩy sự phát triển lớn hơn của ngành công nghiệp điện gió tại Trung Quốc.

Huyền Châu (t/h)